Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

RA MẮT ẤN BẢN TRUYỆN KIỀU
Cập nhật ngày: 23/11/2015

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ RA MẮT ẤN BẢN TRUYỆN KIỀU KỶ NIỆM 250 NĂM NĂM SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU. BẢN DO BAN VĂN BẢN TRUYỆN KIỀU – HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM HIỆU KHẢO, CHÚ GIẢI. THỜI GIAN; 9G SÁNG THỨ BA, 24/11. ĐỊA ĐIỂM:HỘI TRƯỜNG NXB TRẺ 161b LÝ CHÍNH THẮNG, Q.3. KÍNH MỜI BẠN ĐỌC QUAN TÂM THAM DỰ.

Nếu mỗi dân tộc có một tấm căn cước chung bằng văn chương để giới thiệu với thế giới, thì người Việt có lẽ sẽ chọn Truyện Kiều. Lời tựa cuối thế kỷ 19 của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ đã gọi đây là “một khúc Nam âm tuyệt xướng”, vài thập niên sau, các học giả đều nhấn mạnh khía cạnh tầm vóc của truyện Kiều đối với bản sắc dân tộc thông qua vị thế đại diện cho tiếng nói dân tộc: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Đồng nhất Truyện Kiều với bản sắc dân tộc, đó hẳn là một lời xưng tụng cao quý nhất cho một tác phẩm văn học.

250 năm sau ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, thế giới ở trong thời đại toàn cầu hóa, một thế giới phẳng, nhưng liên tục kiếm tìm cách đối thoại với nhau, để hiểu nhau và để tìm tới một nền hòa bình thịnh vượng thật sự. Việc Đại hội đồng Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức quyết định cùng Việt Nam tôn vinh Nguyễn Du chính là một cách như thế.

Nhà xuất bản Trẻ đã có duyên với Kiều thông qua cơ hội cộng tác cùng Ban Văn bản Truyện Kiều – Hội Kiều học Việt Nam, nơi đại diện cho hơn 500 hội viên gồm những nhà nghiên cứu uy tín và người say mê tác phẩm lớn này, để làm ra một bản Kiều hoàn chỉnh nhất của Hội từ trước đến nay. Bản Kiều này in song đôi chữ quốc ngữ và chữ Nôm, cùng những khảo dị và chú giải trên tinh thần hiện đại. Trong quá trình làm việc, Ban Văn bản Truyện Kiều gồm các nhà nghiên cứu: Các nhà nghiên cứu Hán-Nôm Thế Anh và Nguyễn Khắc Bảo, cố PGS. Nguyễn Văn Hoàn, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Khóa, Vũ Ngọc Khôi, PGS-TS. Nguyễn Hữu Sơn, GS. Trần Đình Sử và nhà thơ Vương Trọng đã dồn nhiều tâm sức nghiên cứu nhiều năm để đi đến một văn bản đồng thuận. Sau khi bản in đầu được xuất bản tháng 8/2015 để phục vụ cho Hội thảo về Nguyễn Du tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tại Hà Nội, phát hiện còn một số chỗ chưa chuẩn xác và đồng thuận hoàn toàn, Nhà xuất bản Trẻ đã cùng Ban Văn bản chỉnh lý Truyện Kiều nỗ lực làm việc để đi đến bản hoàn thiện như chúng ta có hôm nay (gọi tắt là bản Kiều II). Văn bản cũng đã được ban thẩm định gồm GS. Nguyễn Khắc Phi, PGS-TS. Trần Nho Thìn và TS. Trần Trọng Dương thẩm định, góp ý để nâng cao chất lượng.

Văn bản Kiều II này được viết lại chú thích cho sáng tỏ và gọn, không lạm dụng các dẫn liệu, từ ngữ và điển cố, hạn chế các trích dẫn không cần thiết từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để chú giải Truyện Kiều. Đây là văn bản Truyện Kiều vừa hướng đến tầm nguyên, vừa tôn trọng kinh nghiệm tiếp nhận tác phẩm trong gần hai thế kỉ qua. Văn bản đã phục nguyên hơn 400 chữ so với các bản Kiều thông dụng. Tuy chưa theo hướng tập chú để tái hiện các tiếp nhận trong hai trăm năm, song đã tiếp cận những cách hiểu mới nhất Tuy chưa làm được khảo dị bằng chữ Nôm, nhưng đã khảo dị và khảo đồng bằng âm đọc của trên 12 văn bản Nôm và quốc ngữ cổ cũng cho thấy khuynh hướng lựa chọn của sách. Cuốn sách này có thể xem như một từ điển chữ Nôm-quốc ngữ, nhờ vào sự dồi dào phong phú vốn từ của truyện thơ, vừa là một ấn phẩm được trình bày trang trọng và in với chất lượng mỹ thuật cao: bìa hai lớp, giấy xốp nhẹ, các minh họa được sưu tầm từ nhiều văn bản Kiều cổ, tạo nên sức hấp dẫn cho sách.

Ban Văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, trong một thời gian khá dài, và hầu hết các chữ, các từ, các âm chọn lựa đều được nhất trí cao, song do tính chất phức tạp của công việc, do trình độ hạn chế, cho nên công trình khó tránh khỏi những thiếu sót, kính mong giới học giả và bạn đọc xa gần góp lời chỉ giáo để chúng tôi có thể bổ chính, sửa chữa trong những lần in sau. Như các soạn giả đã trần tình trong lời nói đầu sách, “công việc hiệu khảo Truyện Kiều không bao giờ có thể coi là hoàn tất, và văn bản thứ hai này của Hội Kiều học Việt Nam chưa phải là văn bản cuối cùng”, nhưng là một nỗ lực đáng ghi nhận của một tập thể uy tín và cầu thị.

            Nhân dịp sách đến tay bạn đọc, Hội Kiều học Việt Nam và Nhà xuất bản Trẻ chân thành cảm ơn sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị và cá nhân trong cả nước, cảm ơn Hội đồng thẩm định, đặc biệt cảm ơn Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho bản Truyện Kiều được ra đời, một ấn phẩm xứng đáng kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Chúng tôi cũng xin cảm ơn sự đóng góp ý kiến quý báu của các nhà nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí cùng những phản hồi tích cực để giúp cho việc hoàn thành văn bản có được chất lượng cao nhất.

Nhà xuất bản Trẻ rất ý thức được rằng mình lãnh một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự khi được xuất bản cuốn Truyện Kiều - ấn bản đặc biệt kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du do Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải. Công việc không hề đơn giản và phức tạp, nhưng cũng như việc mở ra cánh cửa đi vào thế giới tâm hồn người Việt, là một hành trình thú vị và hứa hẹn những điều mới mẻ ở một áng văn chương kinh điển bậc nhất.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

Các Tin Tức Khác