Tiểu thuyết Mình và họ (xuất bản tại Việt Nam năm 2014, đạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015) của nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng là một câu chuyện song song kể về hành trình của người em trai tên Hiếu tìm về chiến trường xưa, nơi anh trai mình đã chiến đấu và bị bắt, cạnh đó là câu chuyện của người anh kể cho người em thông qua những bức thư.
Bìa mới nhất của tiểu thuyết MÌNH VÀ HỌ
Cuộc chiến trong tiểu thuyết này là cuộc chiến bảo vệ biên cương có sự chuẩn bị, tất cả đều sẵn sàng đối diện với nó.
“Thực ra cuộc tháng Hai không bất ngờ như nhiều người vẫn tưởng. Ở thị trấn này người ta được báo trước đến hai tuần. Gạo đã được chuyển lên núi, vào các hang sâu, súng đạn đã chuẩn bị. Kế hoạch tác chiến cũng xong xuôi, chỉ việc chờ. Thời gian chờ hơn chục ngày là thời gian khó khăn nhất, cậu bảo thế, vì không còn bụng dạ nào để vui vẻ hay tức giận. Cứ hong hóng, thấp thỏm. Hễ thấy dân quân chạy từ đèo xuống là vội vàng vớ lấy súng, nhưng rồi lại nhận được cái xua tay".
"Trưa ngày mười bảy thì họ tràn sang. Dân quân chia làm hai, một nửa đưa trẻ con, người già vào trong thung lũng ẩn nấp, nửa còn lại chặn ở đỉnh đèo. Cậu kể đánh được hai ngày thì phải bỏ đèo, bỏ cả thị trấn để chạy lên núi. Bọn họ đuổi theo, bắn rát rạt phía sau. Hai dân quân trẻ chạy cùng cậu đều bị bắn chết”.
Các phiên bản bìa thời gian qua của tác phẩm
Có những chi tiết phụ trong cuộc chiến để lại nhiều ấn tượng với người đọc, như truyền đơn, và một đoạn trong truyền đơn được nhân vật anh trai của Hiếu còn nhớ chép lại cho người em, thêm nhận xét rằng: "Chẳng hiểu bọn Tàu in như thế để làm gì".
Nhân vật anh trai của Hiếu chiến đấu tại biên giới phía Bắc, trong một lần bị trinh sát dẫn nhầm đường đã bị lạc sang phía bên kia, bị bắt, bị dẫn giải sâu vào nội địa bên kia.
Từ đây ta có được cái nhìn về cảnh vật, quân đội của bên đối diện: “Vượt qua cái ngoàm đá, vào sâu hơn chút nữa thì tới đồng bằng. Anh giật mình khi thấy bọn họ đông đến thế nào. Không khác gì đàn kiến chuyển tổ, lúc nhúc, lạu tạu, tay nọ va vào tay kia, súng đạn, đồ đạc lỉnh kỉnh”.
Khi được thả về, người anh không thể nào sống bình thường được, anh mất bản năng đàn ông, điên điên, khùng khùng. “Anh dị ứng với tất cả những gì liên quan tới họ. Hành động đầu tiên là đập vỡ cả cái phích màu đỏ có in hình con công xòe đuôi, sau đó tới cái quạt Lifan, nồi cơm điện cũng bị đập méo. Đến cả cái đài cũ bác Lâm mua hộ mẹ, có chữ Nhật cũng bị anh ném bay ra sân vì tưởng đó là chữ của khựa”.
Sau chiến tranh biên giới, người anh trở về, như Kiên trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, anh cũng không thể nào ra khỏi cuộc chiến. Chỉ khác, Kiên còn có tình yêu cứu rỗi, đến nhân vật anh trai của Hiếu trong Mình và họ thì chẳng có gì cứu rỗi được cả, từ gia đình đến tình yêu.
Bộ đội tiến về Cao Bằng, ảnh chụp khoảng cuối tháng 2/1979. Ảnh tư liệu
Cùng với quá trình tìm dấu vết người anh, thì nhân vật Hiếu cũng gặp nhiều người tham gia cuộc chiến như người cậu, nhóm cựu binh, chị cán bộ xã, anh lái xe, người bạn làm báo…
Tất cả dấu vết của cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức những người dân vùng biên, nó chưa bao giờ phai nhạt, mà chỉ chờ dịp để bùng lên.
Tuy được xây dựng từ những điểm nhìn khác nhau, nhưng cả hai tiểu thuyết Xác phàm và Mình và họ đều cho thấy cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt.
Chúng ta không thể nào quên cuộc chiến này trong lịch sử; nó giống như Pháo đài Cảnh giác trong Xác phàm, để luôn luôn nhắc nhở mỗi người về những bài học và những điều cần rút ra cho ngày hôm nay.
Tần Tần - Zing News