Văn học Hàn Quốc chứa đựng nhiều suy nghĩ, trăn trở về sự đau khổ, nỗi ám ảnh và day dứt của con người trong đời sống hiện đại. Nhưng đó là những nỗi buồn ẩn chứa sự lạc quan.
Người ăn chay - Han Kang
Vượt qua 155 tác phẩm khác để nhận giải thưởng Man Booker Quốc tế 2016, Người ăn chay của nữ nhà văn Hang Kang có cái tên bình thường nhưng ẩn chứa trong đó “sức xáo động sẽ nằm lại lâu trong tâm trí và cả giấc mơ của độc giả”.
Vốn bị ám ảnh bởi câu thơ của Yi Sang: “Tôi cho rằng loài người nên là những cái cây”, cô đã phát triển ý thơ ấy với Người ăn chay. Tác phẩm là câu chuyện kể một người phụ nữ quyết định trở thành người ăn chay với giấc mơ được sống như cây cỏ, khiến tất cả mọi người quanh đều ngạc nhiên và phản đối kịch liệt, đặc biệt là chồng và cha cô. Nguồn cơn của mọi chuyện bắt đầu từ nỗi sợ hại bạo lực, sự ghê tởm không thể giấu diếm với thịt để rồi từ từ biến chuyển thành giấc mơ, cơn hoang tưởng mình có thể trở thành một cái cây thực sự với khả năng quang hợp ánh sáng của nhân vật chính.
Tác phẩm gồm ba truyện ngắn liên kết với nhau: Người ăn chay, Vết chàm Mongolia và Cây pháo hoa. Mỗi câu chuyện là sự trăn trở của những con người trong cuộc sống hiện đại: giữa bình yên và bạo lực, giữa dục vọng và nghệ thuật… Mỗi nhân vật tìm cho mình sự lựa chọn khác nhau, dù cho kết qủa của sự lựa chọn đó đẩy họ vào những tình huống trớ trêu nhưng hơn là để tâm hồn mãi tù đọng.
Chơi Quiz show - Kim Young Ha
Nếu cuộc đời là một Quiz Show, phải chăng những ai có được sự chuẩn bị tốt nhất sẽ thắng? Đó là nỗi phân vân mà nhà văn Kim Young Ha đã đặt ra trong tác phẩm của mình. Min Su, nhân vật chính đã tham gia biết bao gameshow hỏi đáp trong cuộc đời mình, từ niềm vui ban đầu để giết thời gian và thoả mãn kiến thức cho đến khi chơi một cách nghiêm túc để kiếm tiền trên sóng truyền hình. Giống như hiệu ứng cánh bướm, Quiz show lớn nhất của của cuộc đời đã đến với anh, đây phẫn nộ, điên cuồng và trắc trớ, nơi mà có lẽ nhiều câu hỏi không phải để giải đáp và cũng chẳng cần đáp án cụ thể.
Tác phẩm viết về những con người thuộc thế hệ wikipedia: sinh ra vào những năm 80 của thế kỉ XX. Một thế hệ chứng kiến sự xâm nhập mạnh mẽ của internet, lớn lên cùng thế giới ảo “nặc danh”, vô trách nhiệm” và “phi đạo đức”. Thế nhưng, không thể phủ nhận, dù “rác rưởi” nhưng thế giới ảo ấy đã gắn bó với rất nhiều người, nơi họ gặp nhau, làm bạn, tranh luân, yêu đương và cùng khóc, cùng cười, để rồi tất cả trở thành một phần kỉ niệm của tuổi trẻ lấp lánh.
Công chúa Bari - Hwang Sok-Yong
Công chúa Bari vốn là câu chuyện cổ tích kể về nàng công chúa bị vua cha bỏ rơi chỉ vì sinh ra là con gái. Cô tới địa ngục để tìm thuốc trường sinh cứu cha, để rồi tái sinh ở thế giới mới, trở thành nữ thần, như người lái đò sông Styx đưa linh hồn người sống trở về với cõi âm. Mượn câu chuyện về nàng công chúa ấy, cũng lấy cái tên Bari để đặt cho nhân vật chính, tác giả Hwang Sok-Yong đã kể một câu chuyện giao thoa nhiều lần giữa thế giới thực của con người và chốn của ma, quỷ, thánh thần.
Sinh ra và lớn lên tại Bắc Hàn, Bari bẩm sinh có năng lực tâm linh giúp nhìn thấy được tiền kiếp của mọi người và đi lại giữa thế giới này và thế giới khác. Với năng lực như thế, cuộc đời có lẽ gặp đau khổ nhiều hơn là niềm vui. Cuốn sách là chuyến chu du của một người phụ nữ đi khắp nơi giữa những cơn khủng bố, loạn lạc và đau khổ của cả thế giới ma và người.
Đâu đó trong chúng ta đã từng là một nàng Bari với những kì vọng, áp lực không đáng có làm cùm kẹt bản thân. Nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là tình yêu và sự hi sinh giữa người và người với nhau.
Trăng có biết không – Kim Hyang-Yi
Là tập truyện ngắn mang nhiều dáng dấp đồng thoại của nữ nhà văn Kim Hyang-yi, Trăng có biết không kể về cô bé mười hai tuổi Song-hwa, sinh sống trong một ngôi làng miền thôn quê hẻo lánh có tên là Ánh Sáng. Vốn từ nhỏ đã không có cha, mẹ, lại sống với bà nội hành nghề thầy cúng - bị cho là cổ hủ và mê tín dị đoan vào những thập kỉ cuối thế kỉ XX của Hàn Quốc, tất cả đã tạo nên tính cách có phần nhạy cảm và cô đơn nhưng lại không bi quan nơi Song-hwa. Ngược lại, Song-hwa với sự thiện lương và đồng cảm của mình đã trở thành tia sáng ấm ấp để kết nối và sưởi ấm những tâm hồn trong truyện.
Trăng có biết không giống như một câu chuyện đồng thoại. Chính vì thế, kết của câu chuyện bao giờ cũng là cái kết đẹp dành cho tất cả mọi người: Bố đã trở về, người bà chấp nhận từ bỏ thánh thần, mẹ con Yeong-bun đầm ấm bên nhau,… Đó là một câu chuyện cổ tích không có phép màu, không có ông bụt, bà tiên nào hiện lên. Và phải chăng hạnh phúc cũng không thể trọn vẹn?
Trước dấu ấn qúa ấn tượng mà nền văn hoá mang lại với làn sóng Hallyu, văn học Hàn Quốc ít nhiều còn mờ nhạt. Ở Việt Nam, số lượng các đầu sách xuất bản từ xứ sở Kim Chi khá ít. Những cuốn sách kể trên không thể nào là đại diện phản ánh cho nền văn học của cả một đất nước, một thời đại. Nhưng ít nhiều, mong bạn đọc hiểu thêm phần nào một thế giới khác của Hàn Quốc, không nằm ở những thước phim truyện, những màu sắc và mùi vị “bắt” vị giác nơi ẩm thực, mà là nằm nơi các con chữ trên mực, và giấy.
Hoàng Trang