NHỮNG CUỐN SÁCH ĐƯA TA TRỞ VỀ TUỔI THƠ Ai đó từng nói với mọi người rằng: “Hãy nhìn đời qua lăng kính trẻ thơ”, bởi lắng kính ấy vốn dĩ rất trong veo và chẳng vướng bận chuyện ở đời. Bất cứ khi nào đọc những cuốn truyện thiếu nhi, bạn đọc đều tìm thấy cảm những cảm giác rất mộc mạc trẻ thơ nhưng lại rất đỗi chân thành. Nhà Xuất Bản Trẻ giới thiệu đến các bạn những cuốn sách văn học thiếu nhi, như một chiếc vé giúp hoài niệm lại tuổi thơ của bạn...
VỪA NHẮM MẮT VỪA MỞ CỬA SỔ (Nguyễn Ngọc Thuần)
“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một cuốn sách văn học thiếu nhi khá dễ thương và chứa đựng những sự khám phá thú vị của thế giới trẻ thơ đầy hồn nhiên, trong sáng. Qua giọng kể trong vắt của cậu bé 10 tuổi, lăng kính trẻ thơ hiện lên với những suy nghĩ tưởng chừng đơn giản mà không hề đơn giản về mọi sự thiên biến ở đời. Tại sao lại có răng khểnh?Tại sao khi nhìn một ại đó, chúng ta lại nhớ về đôi mắt trước tiên?,...Nguyễn Ngọc Thuần có thể nói đã rất thành công khi chọn được một giọng văn và cách dẫn dắt chuyện khá phù hợp. “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là cuốn sách mà bất kì đứa trẻ nào cũng nên được đọc, bởi vậy mà nó còn được mệnh danh là cuốn “Hoàng Tử Bé” của Việt Nam.
Cuốn sách đã giành được giải Vàng trong Giải A cuộc thi Vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 2002 do Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn TP. HCM tổ chức và được phát hành lần đầu năm 2004. Sách đã được tái bản nhiều lần. Tiếp đó, năm 2007, truyện được dịch qua tiếng Thụy Điển và đến năm 2008 đã giành được giải Peter Pan của Thuỵ Điển cho mảng văn học thiếu nhi. Ngoài ra, sách cũng được chuyển ngữ sang tiếng Anh dưới tên Open the windows, eye closed.
NHỮNG ĐỨA TRẺ MẮC ZỊCH (Trần Nhã Thụy)
Lại là một cuốn sách thiếu nhi có lối viết thông minh và cốt truyện đầy lôi cuốn. Những đưa trẻ mắc zịch, nhưng từ “mắc zịch” ở đây không mang nghĩa đen thông thường mà như ngụ ý của tác giả, nó là lối chơi chữ theo từ “Magic” trong tiếng Anh. Lấy bối cảnh chính là thành phố Sài Gòn, cuốn sách khắc họa những nét tính cách đáng yêu của đám trẻ mê ảo thuật như tụi thằng Trà Đá, thằng Tuấn Anh, thằng Mặt Nạ hay con bé Bông. Mỗi nhân vật hiện lên với một cá tính khác nhau, nhưng chúng có chung một niểm đam mê đó là ảo thuật đường phố. Chính niềm đam mê này đã giúp chúng có một tình bạn thật đẹp và hơn hết đã phá được một vụ lừa đảo về ảo thuật không tưởng.
“Ngoắt ngoéo, là vì truyện có màu sắc trinh thám, với nhiều tình tiết làm người đọc hồi hộp, lo lắng. Nhưng cũng như những truyện trinh thám dành cho trẻ em của Alfred Hitchcock và Stefan Wolf, với những thám tử tí hon đóng vai chính, Những đứa trẻ mắc zịch không dẫn người đọc đến những cảnh huống nặng nề, u ám, không có kinh hoàng, chết chóc; tất nhiên số phận của chú bé Trà Đá ở những trang cuối có khiến người đọc dậy lên mối thương tâm nhưng tác giả vẫn đủ nhân hậu, thứ phẩm tính để truyện trẻ em được là truyện trẻ em, chừa cho chúng ta một ngọn nến hy vọng để ai cũng có thể thắp lên trên giá đỡ và thì thầm cầu nguyện cho chú bé đáng yêu”. (Nguyễn Nhật Ánh nói về Những đứa trẻ mắc zịch)
TỤI LỚP NHẤT TRƯỜNG BÌNH TÂY, CÂY VIẾT MÁY VÀ CON CHÓ NHỎ (Lê Văn Nghĩa)
Lê Văn Nghĩa vẫn luôn được biết đến là một nhà văn chuyên viết về thiếu nhi và viết truyện cho thiếu nhi. Những cuốn sách của ông được biết đến bởi giọng văn giản dị, mộc mạc nhưng hồn nhiên, chân chất và mỗi cuốn sách chính là một tấm vé trở để người đọc được dịp trở về tuổi thơ. “Tụi lớp nhất, trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” không nằm ngoài số đó. Lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, nhà văn đã kể lại câu chuyện về những đứa trẻ đáng yêu, nhân hậu và nghĩa tình, mang đậm chất bộc trực khoáng đạt của dân Nam Bộ. Lồng trong câu chuyện là những hình ảnh như thước phim về Sài Gòn xưa đầy giá trị. Cuốn sách như một món quà chứa đầy sự nâng niu, trân trọng mà Lê Văn Nghĩa dành cho thiếu nhi, cái cách mà bọn trẻ nghèo yêu thương, đùm bọc và che chở cho nhau sao mà đáng yêu đến thế. Lê Văn Nghĩa cho thấy mình là người rất hiểu thiếu nhi, chăc cõ lẽ như lời nhà văn từng nói ông cung lớn lên từ một đứa trẻ, vậy nên những gì về thiếu nhi chính là sở trường của nhà văn.
Cũng như cuốn sách :” Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít nhỏ xóm Sài Gòn năm ấy” đã thành công trước đó, “Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” là một cuốn sách rất đáng đọc cho những ai đang và đã từng là những cô cậu học trò nhỏ.
Bài: Vân Anh, Ảnh: Sưu tầm