Nhà văn, NSƯT Văn Lê vừa đột ngột qua đời tại nhà riêng vào tối 6-9 sau cơn đau tim, hưởng thọ 72 tuổi.
Văn Lê là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn, tên thật là Lê Chí Thuỵ, sinh ngày 2-3-1949, quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình.
Ông nhập ngũ 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng năm 1974. Sau 1975, ông công tác ở tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng rồi tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479 - Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng và nghỉ hưu vào năm 2010.
Văn Lê thể hiện tài năng đa dạng ở nhiều lĩnh vực: xuất thân nhà thơ nhưng sau đó ông chuyển sang viết văn, viết kịch bản và đạo diễn phim, mỗi lĩnh vực đều có thành tựu. Ông đã xuất bản 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện, 15 tiểu thuyết và được phong Nghệ sĩ ưu tú của ngành điện ảnh.
Ông là tác giả kịch bản phim truyện Long Thành cầm giả ca - giải nhất về kịch bản của Cục Điện ảnh - Bộ VH-TT&DL. Bộ phim được nhận giải nhất Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh năm 2012.
Nhà văn Phan Hoàng - một đồng nghiệp có giao tình nhiều năm với Văn Lê lúc sinh thời, ghi nhận ở nhà văn tuổi 70 này sức làm việc bền bỉ. "Từ mấy năm trước ông đã từng bị đột quỵ nhưng vượt qua được, từ đó ông càng làm việc hăng say hơn, mà hai tiểu thuyết mới nhất là Cống nhân và Phượng hoàng thật đáng để ngưỡng mộ" - ông Phan Hoàng nhắc lại.
Tác phẩm Phượng hoàng của Văn Lê vừa được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM lần 2 (5 năm một lần) hồi năm 2019 vừa qua. Đây là tác phẩm về đề tài chiến tranh, được Văn Lê ấp ủ nhiều năm hậu chiến mới chấp bút.
"Và tác phẩm Cống nhân lại là một mảng đề tài độc đáo khác của Văn Lê - đề tài cống danh y người Việt sang Trung Quốc trong thời phong kiến. Ở đề tài này, cho thấy tầm kiến văn quảng bác và sức làm việc, hệ thống tư liệu, xử lý kiến thức để hình thành tác phẩm nơi Văn Lê thật đáng khâm phục" - nhà văn Phan Hoàng chia sẻ.
Hiện linh cữu nhà thơ Văn Lê được đặt tại nhà riêng (28 đường Văn Chung, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM). Lễ động quan lúc 7g ngày 9-9. Sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Nhà văn Văn Lê từng nhận các giải thưởng:
– Giải A cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1975-1976).
– Giải B thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1984.
– Giải A thơ về đề tài Chiến tranh Cách mạng, Hội Nhà văn Việt Nam 1994, với tập thơ Phải lòng.
– Tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1994, với tiểu thuyết Nếu anh còn được sống.
– Tập trường ca Những cánh đồng dưới lửa nhận Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1999; Giải thưởng Văn học quốc tế Me Kong 2006.
– Tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, giải B (Không có giải A) về Văn học chiến tranh, Bộ Quốc phòng (2004 – 2009). Giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TP. HCM 5 năm lần thứ I (2006-2011).
– Tiểu thuyết Phượng hoàng nhận giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009-2014) và Giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. HCM 5 năm lần thứ II (2012-2017).
Đồng thời, trong lĩnh vực điện ảnh, Văn Lê đã nhận các giải thưởng: 3 lần đạt giải thưởng kịch bản phim Tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông Sen Vàng, 5 Bông Sen Bạc, 2 Cánh Diều Vàng, 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản và nhiều giải thưởng cao về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam.
NXB Trẻ trân trọng giới thiệu hai tác phẩm của ông được NXB Trẻ phát hành: Thần thuyết của người chim và Long thành cầm giả ca
- Long thành cầm giả ca không phải là cuốn sách viết về một Thăng Long của vua chúa, của nạn kiêu binh nhũng nhiễu hay của những vị anh hùng được tạo nên thời thế, đó là Thăng Long của những trí thức đau đời như Nguyễn Du, thân phận bèo dạt của những người nghệ sĩ như cô Cầm.
Long thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn đất Long Thành) vốn là kịch bản phim điện ảnh của tác giả Văn Lê được được trao giải nhất trong cuộc thi sáng tác kịch bản phim nhân dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Tác phẩm được lấy tứ từ bài thơ chữ Hán Long Thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du viết vào năm 1813, đã được NXB Trẻ xuất bản thành sách.
Trong bài thơ nguyên tác, đó là cuộc gặp gỡ tuy chỉ thoáng qua đôi lần nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của Tố Như (tên tự của đại thi hào Nguyễn Du) với người đẹp gảy đàn nổi danh đất Long Thành – Cô Cầm. Hồi còn trẻ, Tố Như đến kinh đô thăm anh trai là Nguyễn Nghiễm, có dịp gặp gỡ cô Cầm, lúc này tuổi đang độ hai mươi, chơi đàn Nguyễn Cầm bên hồ Giám mừng các quan nhà Tây Sơn. Bẵng đi vài năm sau đó, khi đi sứ ngang qua Long Thành, ông và người xưa có dịp tái ngộ. Nhưng than ôi, tiếng đàn khi xưa vọng lại vẫn trong trẻo, thế nhưng cố nhân nay má hồng tiều tuỵ, "sắc mặt đen sạm, áo quần mặc toàn vải thô bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười". Tác giả hỏi ra mới biết chính người đàn bà trước kia đã gặp. Cảm thương cho thời thế, cho thân phận người phụ nữ, Nguyễn Du đã viết nên bài thơ nổi tiếng Long Thành cầm giả ca.
- Thần Thuyết Của Người Chim là câu chuyện về một giai đoạn trong huyền sử dựng nước của dân tộc ta từ thời Hùng Vương thứ 18 cho đến khi Triệu Đà xâm lăng và chiếm trọn nước Âu Lạc của An Dương vương Thục Phán.
Thông qua nhân vật Lang Kôông, một thanh niên người Chim có học, sau trở thành Lạc hầu dưới thời Thục Phán, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi vào không gian dựng nước và giữ nước của các bộ lạc người Chim trước âm mưu thôn tính và đồng hóa của người phương Bắc. Dười thời An Dương vương Thục Phán bọn quan lại ươn hèn đã mắc mưu thâm độc của Triệu Đà, đã biến non nước hùng mạnh của người Chim trở thành xứ sở phụ thuộc của đế chế phương Bắc lân bang.
Một quyển sách ngồn ngộn tư liệu và giá trị văn hóa, đau đớn bi thương nhưng cũng hùng tráng, oanh liệt; hấp dẫn cho đến trang sau cùng. Quyển sách Thần thuyết của người Chim được người Việt cổ soạn lại đã bị đốt cháy dưới ngọn lửa hung tàn của kẻ thù phương Bắc, nhưng mọi giá trị đã được trở về bằng cuộc khôi phục tư liệu quý giá của nhà văn.
Một câu chuyện lịch sử, tuy là thần thuyết, nhưng vẫn làm cho ta hiểu và yêu hơn đất nước, giống nòi mình.
NXB TRẺ