Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nhà văn Lê Văn Nghĩa qua đời
Cập nhật ngày: 26/07/2021

Ông Nguyễn Minh Nhựt - cựu giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - cho biết bàng hoàng khi nhận tin Nhà văn Lê Văn Nghĩa qua đời. Vài tháng trước, cả hai còn hàn huyên chuyện văn chương. Trong ký ức của ông Minh Nhựt, nhà văn Lê Văn Nghĩa là cây bút tận tụy, chuyên nghiệp, một tấm gương lao động khiến các nhà văn trẻ phải học tập.

Theo nhà báo Ngân Hà - một đàn em thân thiết với tác giả Lê Văn Nghĩa, ông mắc ung thư nhiều năm qua. Bản tính lạc quan, ông chọn thái độ sống nhẹ nhàng, luôn giữ sự kiên trì và say mê với công việc viết lách.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng cho biết Lê Văn Nghĩa có phong cách ngôn ngữ đối thoại đời thường đậm đặc chất Sài Gòn, giọng kể nhẹ nhàng, tưng tửng của một văn phong miền Tây Nam Bộ. Trong bài báo Đọc Lê Văn Nghĩa, nhớ Sài Gòn, Nguyễn Nhật Ánh viết: "Đọc truyện của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học. Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển...".

Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953, tại TP HCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông học tiểu học trường Bình Tây (nay là trường tiểu học Nguyễn Huệ, quận 6), học trung học trường Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong, quận 5). Ông tham gia phong trào học sinh - sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước năm 1975, bị bắt giam, từng bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy - một trong những tác phẩm gây chú ý những năm gần đây của Lê Văn Nghĩa. Ảnh: NXB Trẻ.

"Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy" - một trong những tác phẩm gây chú ý những năm gần đây của Lê Văn Nghĩa. Ảnh: NXB Trẻ.

Chặng đầu vào nghề, Lê Văn Nghĩa hoạt động báo chí, từng là Phó Tổng thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ, phụ trách Chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười, với các bút danh nổi tiếng: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ... Làm báo và viết văn, ông được nhiều đồng nghiệp đánh giá là cây bút trào phúng hàng đầu của nền báo chí và văn học Việt Nam đương đại. Những tập truyện chứa hồi ức thời niên thiếu của ông ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu thập niên 1960 được bạn đọc nhiều thế hệ mến mộ.

Ông từng ra mắt các ấn phẩm, đều do NXB Trẻ ấn hành, như: Mùa hè năm Petrus (tập truyện, 2012), Chuyện chán phèo (tập truyện trào phúng, 2013), Nếu Adam không có xương sườn (sưu tầm, bình luận, 2015), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (tập truyện, 2015), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (tập truyện, 2016), Nỗi buồn đàn ông (tập truyện trào phúng, 2017).

Những năm cuối đời, dù chống chọi bạo bệnh, ông vẫn làm việc để ra mắt các tập sách: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề( NXB Tổng Hợp TP HCM, 2020).

Sinh thời, Lê Văn Nghĩa xem viết sách là cách để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống và cũng để sống lại một thời tuổi thơ tươi đẹp - thời mà đến chiếc radio cũ để nghe còn hiếm hoi, những đứa trẻ kết nối nhau bằng trò chơi và các mối quan hệ. "Nếu bạn nào bỏ tiền mua sách của tôi mà đọc thấy chán quá, thì nói thật tình, cứ gặp tôi, tôi sẽ gửi lại tiền mua sách cho các bạn. Tôi nghĩ cần có thái độ sòng phẳng với độc giả như thế", ông từng nói.

Tam Kỳ - VNExpress

Các Tin Tức Khác