Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến: Ấn tượng với giai nhân Tây Hồ
Cập nhật ngày: 09/03/2020

Mảng sách về Hà Nội lâu nay đã có nhiều người viết, và nhiều người đã thành danh. Tuy nhiên, bằng những khảo cứu công phu kết hợp điền dã thực tế, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến (trong ảnh) cho thấy dấu ấn riêng và sức bền của mình với loạt sách biên khảo về Hà Nội. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông.

Phóng viên (PV): Sau những cuốn đi dọc, đi ngang, đi xuyên Hà Nội, NXB Trẻ vừa ấn hành cuốn khảo cứu “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm” của ông. Cuốn sách này được hình thành như thế nào, phải chăng nó bắt đầu từ những bài báo, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến (NNT): Đúng vậy. Tôi đã có nhiều bài viết đăng báo về hồ Tây, về các làng nghề làm giấy, dệt lĩnh - thứ lụa đẹp và sang nhất trong các loại lụa dệt bằng sợi tơ tằm. Tuy nhiên nhưng tôi chưa có ý định viết thành sách cho đến khi cộng tác với VOV giao thông trong chuyên mục “Kể chuyện Hà Nội”. Khi nghe lại chính lời mình kể về hồ Tây trên VOV tôi thấy thú vị và phấn khích nên quyết định khảo kỹ hơn để viết sách.

PV: Đi sâu khảo cứu một một vùng đất hồ Tây - Tây Hồ, điều ông ấn tượng nhất là gì?

NNT: Hồ Tây không chỉ là hồ tự nhiên rộng nhất Hà Nội mà còn là vùng đất cổ thấm đẫm truyền thuyết, lịch sử và dấu vết của phái Thiền Tào Động vẫn còn đến ngày nay. Hồ Tây một thời bát ngát sen và “bầy sâm cầm nhỏ vẫy cánh mặt trời”, tiếc là hai thứ làm nên hồ Tây đẹp và thơ mộng không còn nhiều nữa.

PV: Ông có thể chia sẻ về một phát hiện của ông trong quá trình điền dã, khảo cứu tư liệu và viết cuốn sách này?

NNT: Trong quá trình điền dã và khảo cứu tư liệu cộng suy đoán logic, tôi tìm thấy có rất nhiều điều bất ngờ mà trước đây chúng ta cứ tin vào những người viết sử hoặc có những điều còn bỏ ngỏ. Nhưng tôi ấn tượng với thân phận một giai nhân sống ven hồ Tây. Những ai yêu nghệ thuật chèo chắc chắn không thể quên vở chèo “Cô Son” do Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng. Cốt chuyện là bi kịch một giai nhân khi làm cung tần cho vua Minh Mạng. Tuy nhiên, người viết kịch bản chỉ biết sơ sài rằng, giai nhân này là có thật và nàng sinh ra ở làng ven hồ Tây. Vì còn nhiều bí ẩn chưa có lời giải nên tôi quyết định tìm cho ra lai lịch của nàng. Chắp nối nhiều tài liệu tôi biết rằng nàng Son là người gốc Chăm, sinh ra ở làng Thụy Chương (nay là Thụy Khuê). Vì đẹp nên nàng được chọn vào Huế làm cung tần của vua Minh Mạng. Ông vua này có quy định, khi cung tần ngủ với ông sẽ bị bịt mắt bằng tấm lụa đen.

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng Son được gọi đến hầu vua, vì tò mò muốn biết long nhan nên nàng liều lĩnh hé tấm lụa bịt mắt và bị vua phát hiện. Nhìn trộm long nhan là tội tầy đình sẽ bị khép tội chết nhưng vua tha mạng, trả nàng về quê. Khi về Thụy Chương, dù nàng còn rất đẹp nhưng không ai dám hỏi nàng làm vợ, buồn cho thân phận, nàng xây cái am nhỏ ven hồ Tây và sống ở đó cho đến lúc chết. Khi Pháp xây Sở Thủy phi cơ vào năm đầu thập niên 20 thế kỷ 20 ở hồ Tây đã phá am này. Vị trí của am chính là nhà chờ thủy phi cơ ngày nay (trước đây do Hãng Phim truyện Việt Nam quản lý). Bi kịch của nàng Son không chỉ là thân phận của một giai nhân mà nó cũng là thân phận của phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến.

PV: Vừa điền dã, vừa khảo cứu tư liệu trong sách vở, phim ảnh, sân khấu là công việc nặng nhọc. Vậy điều gì hấp dẫn, thôi thúc ông đi sâu khảo cứu về Hà Nội, dù trước đó mảnh đất này đã là chủ đề được nhiều người khai thác và để lại dấu ấn thông qua hàng nghìn công trình nghiên cứu?

NNT: Hà Nội là vùng đất cổ, lại gần 800 năm liên tục là kinh đô, đầu thế kỷ 20 trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương, năm 1945 là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đất kinh đô, Thủ đô luôn là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử của một quốc gia là đích đến của quân xâm lược nhưng cũng là nơi chúng phải cúi mặt ra đi. Không chỉ vậy, đó còn là nơi hội tụ của kiến trúc, ẩm thực, thời trang... Trong đời một con người, không ai đủ thời gian, hiểu biết để viết hết về Hà Nội do vậy luôn còn những khoảng trống cho thế hệ đi sau khai thác.

PV: Có vẻ như Hà Nội với ông là một đề tài vô tận?

NNT: Chắc chắn như vậy. Ngay cả những điều tôi đã viết, đã khảo cứu nhưng nhìn nó dưới quan niệm khác vẫn có thể trở thành đề tài thú vị.

PV: Ông có thể bật mí về cuốn sách sắp tới?

NNT: Đó là cuốn “Chuyện Thăng Long kẻ, Hà Nội hàng” tôi đã chuyển bản thảo tới NXB Trẻ. Cuốn sách này khá đặc biệt vì có nhiều chuyện rất ít người biết. Thí dụ tại sao nước hồ Gươm lại có mầu xanh? Tại sao trên các con phố lại có những căn nhà ăn ra hết vỉa hè? Người ta đã xây Dinh toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) như thế nào? Ăn mặc của nhà giàu xưa ra sao... Nó góp phần cho những ai muốn tìm hiểu Hà Nội biết thêm những gì đã xảy ra trong quá khứ nhưng cũng không kém phần thú vị.

PV: Xin cảm ơn ông!

"Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội, mở đầu với nghề văn nhưng lại gắn bó nhiều nhất với nghề báo. Ông có thời gian dài công tác tại báo Hà Nội mới. Nguyễn Ngọc Tiến được nhiều người biết tới qua các cuốn sách về Hà Nội như: “5678 bước chân quanh hồ Gươm” (2008), “Đi ngang Hà Nội”(2012), “Đi dọc Hà Nội” (2012), “Đi xuyên Hà Nội” (2015),... Năm 2012 ông được trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” với hai tác phẩm “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội”."

- Theo Hoàng Thu Phố - Thời Nay (https://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-vanhoavannghe/baothoinay-vanhoavannghe-moituan/item/43505602-an-tuong-voi-giai-nhan-tay-ho.html?fbclid=IwAR2KjPXUFu5VrzEUq74AapaRcgkh7V_PY3If2OAmoABYq9xO2UZHHbfIacQ)

ĐI DỌC HÀ NỘI ĐI DỌC HÀ NỘI
Các Tin Tức Khác