Nhân ngày báo chí 21/6, hãy cùng thưởng thức những cuốn sách viết về nghề do chính những cây bút kì cựu trong làng báo chắp bút.
Báo chí lương tâm – Đỗ Đình Tấn
Tác giả Đỗ Đình Tuấn từng ví thế giới truyền thông là cuộc chơi chưa có luật. Ở đó, cùng với sự bùng nổ và phát triển như vũ bão của các công cụ hỗ trợ báo chí và các trang mạng xã hội, bàn cờ truyền thông cần có một luật chơi mới, đòi hỏi sự cân bằng, chọn lựa giữa đạo đức và thông tin. Để tạo nên một nền báo chí đứng đắn, tác giả cho rằng tìm kiếm sự thật và tôn trọng con người chính là hai điểm thiết yếu mà giới báo chí truyền thông nên theo đuổi. Cuốn sách không chỉ dành cho những người làm báo đang muốn thay đổi sao cho phù hợp với nền báo chí hiện đại mà hữu ích với tất cứ những ai quan tâm đến vấn đề đạo đức truyền thông.
Ở lưng chừng tương lai - Tom Plate
“Việt Nam có thể trở thành chủ nhà hiếu khách nhất”, Tom Plate, nhà báo kì cựu người Mỹ, người chuyên viết về các vấn đề châu Á đã nhận xét về Việt Nam như trong cuốn Ở lưng chừng tương lai. Cuốn sách tập hợp một trăm bài viết của Tom Plate về các vấn đề ở châu Á từ năm 1995. Châu Á có sự quyến rũ đặc biệt như lời ông bộc bạch: “Ngày trước, tôi là một nhà báo ăn xổi ở thì, nhưng châu Á đã biến tôi thành kiểu ăn chắc mặc bền… Đột nhiên, tôi nhận ra mình đang ở lưng chừng tương lai. Đó chính là nơi nhà báo muốn tới”. Với hơn 100 bài viết, Bạn đọc sẽ tìm thấy những nhận định về Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản…, cả những vấn đề tế nhị như câu chuyện nhân quyền ở châu Á, đạo Hồi, đặc biệt là các vấn đề về Trung Quốc và Mỹ được đề cập nhiều lần.
Nhanh, đúng, trúng, hay – Hải Đường
Tập tiểu luận gồm 22 bài viết, được chắp bút bởi nhà báo Hải Đường, nguyên phó Tổng biên tập báo Nhân dân, chủ biên tờ Nhân dân cuối tuần. Bằng cách viết ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc có điểm nhìn từ bên trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Không những thế, những kinh nghiệm xương máu được đúc kết từ chặng đường làm báo lâu năm của chính tác giả như chuyện giao ban, chuyện tác nghiệp, xử lý tin bài, tình huống và bản lĩnh của một tổng biên tập đứng đầu một toà soạn sẽ là nguồn tư liệu thú vị cho những ai muốn theo con đường nghề báo.
Báo chí và mạng xã hội – Đỗ Đình Tấn
Trong cuốn sách này, bạn sẽ gặp lại tác giả Đỗ Đình Tấn với một phong cách viết đầy tỉnh táo, lập luận nhưng vô cùng khách quan, công bằng. Bạn sẽ hiểu rõ hơn mạng xã hội, từ một khái niệm xã hội học đến một dịch vụ, tính hai mặt và lý do thu hút của mạng xã hội; đồng thời, hiểu rõ hơn báo chí truyền thống đã và đang định hình lại hoạt động của mình như thế nào, mạng xã hội đang rộng mở không gian và công việc của nhà báo ra sao.
Cuối cùng, “công” và “tội” hay mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội vốn phụ thuộc vào chính chúng ta: nhận thức, mức độ trưởng thành và cách chúng ta sử dụng công cụ truyền thông này.
Các cuốn sách được đề cập đến trong bài viết đã được nhà xuất bản Trẻ phát hành, bạn đọc có thể tìm mua tại các hiệu sách trên toàn quốc cũng như trên các website thương mại điện tử.
Hoàng Trang