Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Một thời Hà Nội hát
Cập nhật ngày: 17/12/2018

Những câu chuyện khó quên của đời sống giải trí Hà Nội, trong và sau giai đoạn tạm chiếm, 1947-1954, đã được Nguyễn Trương Quý tái dựng trong Một thời Hà Nội hát, trước tiên xoay quanh nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

So với các sử sách về Hà Nội lâu nay chủ yếu hướng đến những sự kiện chính trị, xã hội lớn và bao trùm, cách tìm hiểu TP này trên phương diện giải trí của Nguyễn Trương Quý là bước đi khó nhưng chính xác.

Bởi nếu muốn phân tích kỹ càng các chuyển biến khá phức tạp của Hà Nội trong giai đoạn tạm chiếm, không thể bỏ qua nhu cầu giải trí, thứ gắn liền với thị dân và là hồi quang chưa mất của thời Âu hóa trước đó.

Hà Nội của giải trí thị dân

Nguyễn Trương Quý đã phải rà lại báo chí và sách vở, vốn không dễ dàng chắp nối vì độ tản mác, thất tán của nó, để phác họa điểm nhấn chính mà thị dân Hà Nội ít nhiều gặp gỡ là thích mốt thời trang, thói quen mê phim, yêu ca nhạc.

Đặc biệt, khi chiến sự kháng chiến dần trở thành âm hưởng chủ đạo thì trong nội thành, các rạp chiếu bóng, rạp hát vẫn hoạt động, các cuộc thi hát vẫn được tổ chức, các bài hát mới và ca sĩ nổi danh không ngừng được quảng cáo...

Tất cả, cùng với tâm thế và phong cách sống lãng mạn, nhất là tình bạn và tình ái, đã kéo dài, mà thực chất là bồi đắp thêm tính cách thị dân Hà Nội trước khi nó bị bình dân và bình quân chủ nghĩa bào mòn hoặc phải chìm lắng xuống.

Cuốn sách cũng phần nào cho thấy giới nghệ sĩ Hà Nội rối bời tâm tư, không hẳn dứt khoát làm tráng sĩ hay chần chừ nán lại an thân. Họ rơi vào thế mơ hồ nên các tác phẩm, gu thẩm mỹ của họ mới là tư liệu lý tưởng để rọi chiếu các bảng màu trạng thái tinh thần Hà Nội bấy giờ.

Cách tiếp cận của tác giả, vì thế, mở thêm đối thoại với các định kiến về âm nhạc lãng mạn, về những thú tiêu khiển bị coi là sa đọa. Cảm hứng đối thoại ấy làm người đọc bất ngờ và phần nào nuối tiếc vì lý ra, Hà Nội phải đón nhận, nuôi dưỡng tâm hồn, thị hiếu thị dân một cách hiện đại, văn minh và bền bỉ hơn từ rất lâu rồi.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn năm 1950 - Ảnh tư liệu gia đình nhạc sĩ Từ Linh

Kiểu nghệ sĩ xuyên thời gian

Chọn Đoàn Chuẩn làm đối tượng nghiên cứu, Nguyễn Trương Quý không chỉ tạo thêm một cách định vị nhạc sĩ này trong dòng ca khúc tiền chiến mà còn gợi dẫn thao tác tìm hiểu di sản âm nhạc nói chung. Thay vì phân chia theo trục thời gian hay phụ thuộc vào tri thức âm nhạc học, tác giả tập trung phân tích ca từ và giải mã hình tượng trong mỗi bài hát.

Kiểu nghệ sĩ chuyên chú sáng tạo vì cảm xúc cá nhân như Đoàn Chuẩn dẫu có lúc hòa theo đường đi của số đông, vẫn cứ là một đặc sắc nghệ thuật hiếm gặp.

Trường hợp ca khúc Gửi người em gái miền Nam mà sách dừng lại khá lâu, nói như Nguyễn Trương Quý, đã từng ở "vị trí bên lề" trong giới làm nhạc nhưng không có lằn ranh nào ngăn trở ca khúc của ông "nhận được sự yêu thích gần như nhất quán từ công chúng ở các không gian ý thức hệ khác nhau".

Khi âm nhạc Đoàn Chuẩn tái sinh vào cuối thập niên 1980, một lần nữa nó thách thức tầm đón nhận chủ nghĩa lãng mạn của công chúng, tiếp tục thu hút những thế hệ thính giả mới tưởng tượng về Hà Nội quá khứ, về TP đã từng ăm ắp huyền thoại.

Hàm ơn sự tái sinh đó, Một thời Hà Nội hát còn là đáp đền của thế hệ trẻ như Nguyễn Trương Quý, một kết thúc có hậu cho người nghệ sĩ tài hoa, rộng hơn, cho những giá trị xuyên thời gian.

Nhân dịp ra mắt sách Một thời Hà Nội hát, hai đêm nhạc mang tên Một thời Hà Nội hát: Chuyện tình tà áo xanh! sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào 19h ngày 14-12 tại rạp Đại Đồng (46 Hàng Cót - rạp hát từng là sở hữu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) và 19h ngày 16-12 tại Ơ Kìa Hà Nội (39, ngách 39, ngõ 639 Hoàng Hoa Thám).

Đêm nhạc mang đến những bản tình ca nổi tiếng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng những câu chuyện về Đoàn Chuẩn trong âm nhạc và trong đời thường, với sự góp mặt của tác giả và sự dẫn dắt của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

K.L. - báo Tuổi Trẻ

Các Tin Tức Khác