Trong khi số lượng bạn đọc chọn mua sách online ngày càng tăng, hiện nay xuất hiện một số trang mạo danh tên tuổi các nhà xuất bản (NXB) và công ty sách để phát hành sách qua mạng xã hội.
Đây là hành vi vi phạm có chủ đích, trục lợi và diễn ra khá lâu, nhưng các cơ quan bị hại vẫn loay hoay chưa biết "tự bảo vệ" mình bằng cách nào.
Thản nhiên xưng tên và bán sách
Xuất hiện từ cuối năm 2019 là hai trang (dạng fanpage) trên Facebook với tên gọi Xưởng In Nhà Xuất Bản Trẻ - Trang Chuyên Xả Hàng Tồn Kho và Tổng Kho Xuất Bản Sách - NXB Trẻ. Thoạt đầu - và cho đến hiện nay - rất nhiều người lầm tưởng đây là hai trang chính thức của NXB Trẻ nên số lượng bạn đọc "ủng hộ" hai trang này khá nhiều.
Và những người lập ra các trang này cũng chỉ cần như vậy: Được nhiều người vào trang đặt mua sách online, họ nhận đặt hàng, nhận chuyển khoản qua dịch vụ Internet banking, rồi họ cũng sử dụng dịch vụ giao hàng chuyển sách đến cho người mua.
Để thu hút người đọc, các chủ trang mạo danh này chụp hình sách, quảng cáo rất rầm rộ: Chẳng hạn trên trang "Tổng Kho NXB Trẻ" liên tục rao bán bộ Harry Potter của NXB Trẻ với mức giảm giá bìa 60% từ 1,180 triệu đồng xuống còn 445.000 đồng, bên cạnh đó là các dịch vụ kèm theo...
Trên trang "Xưởng In Nhà Xuất Bản Trẻ" còn rầm rộ náo nhiệt hơn với hàng loạt bộ sách được rao bán trọn gói (combo): combo 7 tập Harry Potter, combo 9 tập Ma thổi đèn, combo 5 tập Chạng vạng, combo 13 tập Dạy con làm giàu, combo 5 tập Bảy năm vẫn ngoảnh về phương Bắc, combo 12 tập Nhật ký cậu bé nhút nhát bản tiếng Anh...
Tất cả diễn ra như một kênh phát hành sách đàng hoàng, cho đến khi NXB Trẻ phát hiện đây là hành vi mạo danh. Tuy nhiên, phía NXB Trẻ cho biết việc yêu cầu chủ các trang này chấm dứt hành vi vi phạm của họ không hiệu quả. Và với ứng dụng fanpage của Facebook, một người dùng (user) có thể nhanh chóng xóa một trang nếu cần, và lập một trang mới trong vòng "ba nốt nhạc" thì việc rượt đuổi giữa đơn vị bị vi phạm với những người giấu mặt mạo danh trên Facebook chẳng khác nào trò chơi mèo vờn chuột trong vô vọng.
Lần theo các trang bán sách trên mạng xã hội, mới biết không chỉ có NXB Trẻ bị mạo danh. Trắng trợn hơn còn có trang NXB Nhã Nam - Trang Chuyên Xả Hàng Tồn Kho và NXB Nhã Nam - Trang Thanh Lý Sách Tồn Kho mạo danh Công ty sách Nhã Nam, bán tràn lan các sách của Nhã Nam và sách của các thương hiệu khác. Đáng kể, trang tự xưng "NXB Nhã Nam - Trang Thanh Lý Sách Tồn Kho" còn tự tiện sử dụng logo chính thức của Nhã Nam để làm ảnh đại diện (avatar).
Điều đáng chú ý là các trang mạo danh này khi đăng thông tin rao bán sách đều có ghi chú là "được tài trợ" - nội dung này cho thấy đây là trang có trả tiền quảng cáo cho Facebook, và có một số người làm vai trò trung gian cho Facebook để đáp ứng nhu cầu quảng cáo bán hàng cho các chủ trang mạo danh kia.
Tội phạm hình sự và... tự bảo vệ mình
Cho đến nay, NXB Trẻ cũng chỉ mới "tự bảo vệ" bằng cách thông báo chính thức trên web và fanpage của mình danh sách các trang chính thức của NXB để giúp bạn đọc phân biệt với các trang mạo danh. Ông Nguyễn Thành Nam - phó giám đốc NXB Trẻ - cho biết: "Việc thu thập chứng cứ để khởi kiện dân sự cũng đang cân nhắc, chủ yếu vẫn là khả năng "xóa dấu vết" của các đối tượng vi phạm".
Vấn đề này được GS.TS luật sư Nguyễn Vân Nam đưa ra hai hướng tiếp cận: hành vi bán sách qua mạng như vậy trước hết có dấu hiệu phạm tội hình sự vì là hành vi mạo danh; thứ hai là cạnh tranh không lành mạnh, gây nhầm lẫn giữa NXB thật và NXB giả chỉ đứng tên trên cái trang bán sách ấy.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, luật sư Nguyễn Vân Nam cho rằng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tiếp cận ở hướng hình sự sẽ có khả năng mang lại hiệu quả hơn là khởi kiện theo Luật cạnh tranh.
"Trong khi ở các nước, những vụ việc này thường xử theo hướng cạnh tranh không lành mạnh, và khi hành vi cạnh tranh bị trừng phạt sẽ trừng phạt theo doanh thu, nên doanh thu của người mạo danh kia có thể bị tịch thu. Cách ấy có tác dụng răn đe lớn bởi gây thiệt hại lớn cho người vi phạm" - ông Vân Nam phân tích.
"Nhưng ở Việt Nam thì không phải vậy, Luật cạnh tranh của Việt Nam cũng khó áp dụng" - ông Nam nói thêm. Đây cũng là lý do ông cho rằng khi phát hiện mình bị mạo danh, các NXB hoặc công ty sách cần gửi công văn đến cơ quan công an điều tra yêu cầu điều tra và truy tố tội hình sự đối với các hành vi ấy. "Có làm đến nơi đến chốn một vài vụ thì những người mạo danh kia mới sợ" - ông Vân Nam khẳng định.
Cũng theo ông Nam, bởi vì các vụ này xảy ra trên nền tảng Facebook, nên khi tiếp cận theo hướng hình sự sẽ có điều kiện xem xét yếu tố tòng phạm của các hành vi này, khi đó Facebook phải chịu trách nhiệm về các dịch vụ, ứng dụng và chính sách hoạt động trên nền tảng của họ.
Thiệt hại nhà làm sách lẫn bạn đọc
Chị Hồng H. - một phụ huynh ở Q.1, TP.HCM, luôn khuyến khích con gái đọc sách - khi biết tin có những trang mạo danh bán sách mới thừa nhận rằng lâu nay gia đình chị vẫn tín nhiệm các thương hiệu sách quen thuộc, "nên thấy giới thiệu trang này của NXB Trẻ thì mua chứ không nghi ngờ gì".
Việc "nở rộ" các trang mạo danh những thương hiệu sách có uy tín trước hết là thiệt hại cho cả hai phía: bạn đọc và nhà làm sách. "Hiện nay có tình trạng hình quảng cáo trên trang là ảnh sách thật, nhưng khi bạn đọc vào đặt mua, sách giao đến tay lại là sách giả" - ông Dương Thanh Hoài, phó giám đốc Nhã Nam, bày tỏ lo ngại.
Theo LAM ĐIỀN - Báo Tuổi Trẻ