Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư, một bộ sách bao gồm những mẫu truyện ngắn được lồng ghép vào những bài học đạo đức, vừa mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục, đủ để con trẻ hiểu những bài học về ứng xử, những giá trị cốt lõi của việc học tập.

Bộ sách gồm hai cuốn Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư do một nhóm biên soạn gồm ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận – Đều là những học giả, nhà văn, và là nhà giáo dục nổi tiếng thời xưa. Đây cũng là quyển sách giáo khoa được đưa vào chương trình học của các bạn nhỏ ở miền Nam vào những năm giữa thế kỷ XX.
Quyển sách là tuyển tập những mẫu truyện ngắn đơn giản, nội dung, ý nghĩa của nó được thể hiện hết qua từng câu chữ, có lẽ quyển sách được viết cho trẻ em nên giọng văn rất đơn giản, không cầu kỳ, hoa mỹ, dễ hiểu và gần gũi với lứa tuổi của các bé. Tuy nhiên tác giả vẫn còn sử dụng nhiều từ Hán Việt và từ ngữ địa phương nhưng đây không phải là điểm trừ quá lớn cho quyển sách này, vì các từ ngữ như vậy đều đã được chú thích ở phía cuối câu chuyện, nên cũng không quá khó khăn cho các bé đọc hiểu.
Mỗi một câu chuyện đều không dài quá một mặt giấy, những câu chuyện cũng hết sức bình dị và đời thường, từ những bài học cơ bản ở lớp Đồng Ấu như tập đọc, tập viết, học quốc ngữ, yêu mến cha mẹ, thầy cô,... đến những bài học về đạo đức, về cách làm người ở lớp Dự Bị và lớp Sơ Đẳng như lòng hiếu thảo, lòng thương người, tình yêu thương động vật,... phê phán những tệ nạn và thói hư tật xấu như cờ bạc, nghiện ngập, dối trá, vu oan,... Bộ sách không chỉ gói gọn ở những bài học đạo đức mà còn dạy thêm về lịch sử, những anh tài ở nước ta như Lê Lai, Chu Văn An, Trần Quốc Tuấn,... ngoài ra bộ sách còn cung cấp thêm những kiến thức về địa lý, xã hội như Huế, Sài Gòn, Chợ Lớn,...
Các bài học tuy rất ngắn nhưng để lại nhiều bài học giá trị. Đây là món quà quý, để bạn lì xì đầu năm cho con, cùng con gìn giữ những giá trị của dân tộc.
THẠC SĨ