Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

“Không có cuộc chiến đấu nào vì đất nước mà bị lãng quên”
Cập nhật ngày: 17/02/2020

41 năm trước, 17/2/1979 quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Quân dân 6 tỉnh phía Bắc nói riêng, quân dân Việt Nam nói chung, đã kiên cường đánh trả để bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc!

“Biên giới đã đứng lên diệt thù thay Tổ quốc
Nơi cao điểm nhất, ngày cao điểm nhất, giờ cao điểm nhất,
Ôi, những rừng không tuổi, suối không tên
Thơ chửa từng ghi, sử có khi quên
Nay một phút máu anh hùng đỏ rực
Trên nghìn non cao ấy có sương thịt con em ta trên mỗi chốt
Mỗi ngọn cỏ, nhành cây, muôn thuở hoá thiêng liêng
Họ dâng tất cả cho Tổ quốc mà, đâu có gì để riêng?
Nghìn năm sau nhìn về đây xin hãy rất trang nghiêm
Giữ sông núi là giữ bằng máu xương ta từng tấc đất”
- Thần Chiến Thắng, Chế Lan Viên.

MỘT TRĂM NGÀY TRƯỚC TUỔI HAI MƯƠI - ĐOÀN TUẤN

Một trăm ngày trước tuổi hai mươi vẫn được viết ra, trình bày như thể nó là những ghi chép, rất gần với nhật ký, quyển nhật ký đếm ngược tới “ngày D” - trước ngày hai mươi tuổi. Cái tuổi hai mươi đầy hoa mộng mở ra, cái hành trình một trăm ngày sát cánh cùng đồng đội trong những giờ phút bắt đầu một cuộc chiến. Nhân vật bước đi, tuổi xuân mở lối, nhưng đồng thời chiến tranh tàn khốc.

Họ đã dấn bước như thế, tựa hồ hào khí cha ông bao đời truyền lại không mảy may suy suyễn chút nào. Đoàn Tuấn đã ghi lại một thời, một thời mà dài như một đời, để hôm nay kẻ sinh sau đẻ muộn như tôi mới biết được những hy sinh gian khổ mà cũng đầy ắp lý tưởng. 
Ngồi viết những dòng này vào cái tuổi tương tự như những nhân vật trong tiểu thuyết là một trải nghiệm thú vị, và tin rằng, khi bạn đã đọc hết quyển sách này, nếu bạn đã già, hãy hồi tưởng lại thuở mình còn son trẻ. Nếu bạn vẫn đang ở độ tuổi hai mươi, hãy nhớ rằng non nửa thế kỷ trước đã có những người hai mươi như thế.

"Vào đến biên giới Tây Nam, tiểu đoàn 4 được bổ sung về Quân khu 7. Còn tiểu đoàn 1 chúng tôi được bổ sung về Quân khu 5.
Ba tiểu đoàn lên biên giới phía Bắc, được rải ra khắp các mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Họ có mặt ở những mặt trận nóng bỏng như Vị Xuyên, Đồng Đăng, Hòa An v.v…
Chúng tôi viết thư cho nhau. Những lá thư đầy mùi lửa đạn, thơm nồng giọng lính." 
- Trích tác phẩm.

NHỮNG MÙA XUÂN CON KHÔNG VỀ - NHIỀU TÁC GIẢ

🌿Mời bạn đọc lại NHỮNG MÙA XUÂN CON KHÔNG VỀ - tập sách là những bài viết trước đây và mới đây của các tác giả là nhà văn, nhà thơ Việt Nam (Bảo Ninh, Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Phấn, Mạnh Hùng, Hà Phạm Phú, Mã A Lềnh), nhà báo (Lãng Quân, Lam Hà, Đỗ Doãn Hoàng, Mai Quỳnh Nga, Giang Thùy Linh, Lê Huyền Ái Mỹ), đặc biệt có cả sự tham gia của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và nhạc sĩ Trần Tiến.

Những sự thật kinh hoàng đã xảy ra, đặc biệt khốc liệt bởi cuộc chiến hoàn toàn bất ngờ, bom mìn hậu chiến cho đến hôm nay… Tất cả đều được chứng kiến tận mắt và ghi lại để nhắc rằng, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, Lòng Yêu nước và Tinh thần Dân tộc lập tức được tụ hội, không sá chi gian khổ, hy sinh để giành lại độc lập, bảo vệ biên cương, lãnh thổ và tôn vinh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã dâng cả tuổi xuân và xương máu cho Tổ quốc.

MÌNH VÀ HỌ - NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

 Khác với kiểu tiểu thuyết trường thiên có tham vọng tái hiện một giai đoạn lịch sử dài, một cuộc đời trọn vẹn, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương chọn thời điểm gần kết thúc câu chuyện để mở đầu tác phẩm và lựa lấy những lát cắt quan trọng, với các sự kiện có mối liên hệ hiện tại - quá khứ bằng tiết tấu chậm rãi, nhịp kể nhẩn nha.
...Trong Mình và họ, nếu dòng hồi ức chiến tranh mang lại âm hưởng trầm buồn, da diết thì cái hiện tại hậu chiến được thể hiện bằng giọng dửng dưng, lạnh lùng, hờ hững đến vô can của nhân vật. Những mối quan hệ nhằm đáp ứng nhu cầu tình – tiền, những mối tình tay ba tay tư nhằng nhịt, những chuyện làm ăn, đổi chác, những nghi kỵ, ghen tuông và bạo lực,… như là khúc biến tấu của bản nhạc thời hậu chiến. Chiến tranh nhường chỗ cho những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến kinh tế, xã hội, chính trị...

Nhà xuất bản Trẻ

 

Các Tin Tức Khác