Tương tự phần 1, Tập sách gồm 20 truyện ngắn xuất sắc nhất của Alberto Moravia, viết về nước Ý trong những năm đầu tái thiết sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Nước Ý trong sách của Alberto hoàn toàn khác với ý niệm của người đọc về một đất nước thơ mộng, lãng đãng, tinh tế, sang trọng. Hoàn toàn không phải là đất nước "thở ra thơ, nói ra văn" trong khung cảnh trùng trùng những mối tình mơ màng. Nước Ý ở đây là những điều chân thực nhất, gần gũi nhất, bình dân nhất. Và cũng vì thế, mỗi truyện ngắn đều là một mảnh ghép vô cùng sống động tạo nên một bức tranh toàn cảnh thành phố Rome mà có lẽ độc giả nước ngoài lần đầu được chiêm ngưỡng.
Rome ở đây đầy rẫy những người nghèo khổ, sống chui rúc trong những khu ổ chuột, không thể nào gọi là nhà. Rome đầy rẫy những kẻ hách dịch, đầy rẫy những người xanh xao vì đói, những đứa trẻ thất học, ốm yếu nheo nhóc, đầy những kẻ lường gạt, những kẻ sẵn sàng từ bỏ lòng tự trọng chỉ để được một bữa ăn, được một công việc. Cuộc sống vùng vẫy trong những phá vỡ, bát nháo và nhọc nhằn.
Sau tập 1, đây là 20 truyện ngắn khác của Alberto Moravia được sáng tác trong bối cảnh của một thành phố Roma đã bỏ lại sau lưng một giai đoạn đen tối của hai thập niên (1925-1945) dưới chế độ phát-xít cùng với những đau khổ, mất mát, tang thương vì chiến tranh để bước vào giai đoạn xây dựng thời hậu chiến. Qua cặp mắt tinh tế, với một tâm hồn nhạy cảm, và dưới ngòi bút nhạy bén, Alberto Moravia đã mô tả một cách hiện thực và cực kỳ sinh động cuộc sống vừa bươn chải vừa chật vật, nề nếp suy nghĩ vừa năng động vừa thô thiển, hy vọng vươn lên của những thành phần nắm bắt được cơ hội kinh tế bên cạnh thất vọng não nề của những con người sống bên lề của công cuộc tái thiết, các ứng xử trong quan hệ giữa người với người có khi đầy tình nghĩa nhưng cũng lắm lúc hiềm khích đố kỵ lẫn nhau; tất cả được lồng trong một thành phố Roma vào thời điểm đầy biến đổi về kinh tế và xã hội nói trên.
Tất cả các truyện ngắn này đều được viết theo lối tự sự và các nhân vật kể chuyện đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội khác nhau của Roma thời đó: từ dân nghèo đến người có của ăn của để, từ dân thành thị láu cá đến người nhà quê mộc mạc, từ giới giang hồ tứ chiếng đến thành phần trung lưu mới phất, từ người dốt nát thất học đến giới trí thức học giả. Tất cả phải chạy theo một xã hội đang trên đà phát triển vật chất với những tác động, không phải lúc nào cũng tích cực, lên đời sống văn hóa tinh thần, và đôi khi cũng gây ra những hệ lụy nửa khóc nửa cười.
Alberto cứ lần lượt bày biện ra những nhộn nhạo mưu sinh cay đắng, tủi hờn, với giọng văn nhẹ tênh, có chút tưng tửng, giễu nhại. Tác giả kể chuyện bằng lối văn cực kỳ ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, với những ngôn ngữ bình dị, gần gũi thậm chí có phần suồng sã của dân lao động thông thường. Ông đã tái hiện lại thực thà cuộc sống muôn vàn khốn khó và đầy xáo trộn của thành phố Rome khi đứng giữa biến động lớn của lịch sử.
Dầu vậy, những câu chuyện ở thành Rome tuyệt đối không làm người ta có cái nhìn xấu xí về người Ý cũng như nước Ý. Ngược lại, người Ý trong truyện ngắn của Alberto hết sức sinh động, với đầy đủ những thói hư tật xấu, nhưng cũng luôn hiện diễn những tấm lòng nồng hậu, nhân ái.
Hai mươi truyện ngắn của Alberto đều có kết cấu rõ ràng, kể chuyện vô cùng sắc sảo, ngôn ngữ hoàn toàn không khoa trương cầu kỳ. Đây cũng là những tác phẩm mang đậm tính chất điện ảnh của trường phải Tân hiện thực Ý, nổi tiếng từ những năm sau chiến tranh. Hai mươi câu chuyện có thể tạo thành hai mươi bộ phim ngắn, rộn ràng, hóm hỉnh khiến khán giả vừa cười, vừa khóc. Người đọc tiếp cận với Những câu chuyện thành Rome chắc chắn sẽ vô cùng thích thú, được chiêm ngưỡng một Rome đầy màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Đó chính là cái tài của Alberto, một trong những nhà văn hiện đại xuất sắc nhất của nền văn chương Ý.
HUY HÙNG