Đó là chia sẻ của NGƯT, truởng nam Vũ Thế Khôi về tâm sự của cha mình, cụ Vũ Đình Hòe trong buổi ra mắt quyển sách Gương mặt những người cùng thế hệ tại NXB Trẻ sáng 19/8, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám.
Quyển sách dành cho thế hệ trẻ
Ông Vũ Thế Khôi cho biết quyển sách Gương mặt những người cùng thế hệ là tâm tư suốt đời của cụ Vũ Đình Hòe, vị bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của chính phủ nhân dân lâm thời sau Cách mạng tháng 8 “Cả đời cụ luôn khắc khoải về những người anh, người bạn tri giao và cũng là đồng sự, cùng nhau làm nên cuộc CMT8 vĩ đại. Cụ khắc khoải, cốt yếu là vì cụ muốn viết để thế hệ người trẻ lớn lên trong thời bình hiểu về những con người cả đời hi sinh vìTổ quốc. Từ đó để lớp thanh niên ngày nay nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với vận mệnh dân tộc.”
Gương mặt những người cùng thế hệ được cụ Vũ Đình Hòe hoàn tất vào những tháng ngày cuối đời của mình. Bản thảo quyển sách do ông Vũ Thế Khôi chấp bút được cụ Hòe đọc từng dòng để viết. Theo ông Khôi, khi ấy cụ Hòe đã tay yếu mắt mờ nhưng tinh thần vẫn vô cùng minh mẫn. Những câu chuyện về 20 chân dung mà cụ Hòe nhắc đến, cụ đều nhớ từng chi tiết nhỏ. “Sau mỗi đoạn viết, tôi đều phải đọc lại cho cụ nghe, để cụ chỉnh sửa từng chút một.”
Ông Khôi cũng cho biết thêm: “Lúc đương thời cụ Hòe đã dặn dò tôi rất nhiều lần, mỗi chân dung đều phải có một tấm hình kèm theo. Chính vì chuyện này mà tôi đã tốn rất nhiều thời gian, tâm sức để hoàn thành theo ý cụ. Có những chân dung như của cụ Giản Chi Nguyễn Hiến Lê tôi đã phải ngược xuôi từ Bắc chí
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ, quyển sách Gương mặt những người cùng thế hệ đã được NXB xuất bản chăm chút rất kỹ luỡng. Từ khâu biên tập bản thảo, đến việc truyền thông cho sách đều được những BTV giỏi nhất của NXB hoàn thành. Tuy sách chỉ xuất bản 1 ngàn quyển trong đợt này, nhưng ông Nhựt cho biết “Con số ấy không nói lên điều gì cả. Cái quan trọng của người làm sách là nội dung, chất lượng của sách. Với bạn đọc mỗi quyển sách đều cần có một cái duyên. Tôi tin nếu những quyển sách thực sự hay sẽ không bận tâm về chuyện thiếu bạn đọc”.
PGS.TS Trần Hữu Tá là người từ thuở nhỏ đã được tiếp xúc với cụ Hòe cùng gia đình cụ. Khi đến thăm cụ Hòe những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, PGS.TS.Trần Hữu Tá cho biết: “Cạnh giường cụ Hòe nằm lúc nào cũng sẵn có một cái bàn nhỏ để cụ đọc và viết. Nghĩ về cụ Hòe, với tôi đó là nghĩ về một nhân cách lớn”. Theo PGS, trong quyển sách Gương mặt những người cùng thế hệ có những bài viết rất đặc biệt của cụ Hòe, nhất là bài về cụ Nguyễn Hữu Đang, vị kiến trúc sư cho lễ đài độc lập ngày 2-9. Bài viết của cụ Hòe về cụ Đang vẫn còn dang dở. “Cụ Hòe viết được một nửa, rồi cụ bảo ‘ăn tết đã rồi viết tiếp’. Thế mà 3 ngày sau cụ đã qua đời. Bài viết đến nay mãi dở dang về một con người tài hoa nhưng cũng lắm gian truân trong đời”.
Suy ngẫm về một thế hệ vàng
Theo PGS.TS Trần Hữu Tá, Gương mặt những người cùng thế hệ tuy về mặt thể hiện trên sách chỉ có 20 chân dung, nhưng thực ra còn một chân dung nữa. Chân dung của vị này luôn xuất hiện xuyên suốt trong quyển sách, gắn liền với 20 con người mà cụ Hòe nhắc tới. Đó chính là cụ Hồ Chí Minh. Một con người, một nhân cách lớn mà cụ Hòe suốt đời nguỡng mộ, mến phục. “Quyển sách còn nhắc đến những chân dung của các cụ như Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức,… vì những giới hạn của bối cảnh lịch sử nên chưa được công nhận một cách đúng đắn. Nhất là chân dung của cụ Nguyễn Văn Tố, người mà cụ Hòe trăn trở rất nhiều vì cụ Tố đã hi sinh hơn 60 năm nhưng mãi vẫn chưa được truy nhận liệt sĩ. Cả đời cụ Hòe đã lao tâm khổ tứ viết đơn gửi đi nhiều nơi để mong cụ Tố được đánh giá thật đúng đắn. Nhưng mãi đến những năm gần đây, cụ Tố mới được nhìn nhận lại”, PGS.TS Trần Hữu Tá cho biết.
Trong phần chia sẻ của độc giả dành cho quyển sách Gương mặt những người cùng thế hệ, GS.Nguyễn Đăng Hưng băn khoăn: “Thế hệ của cụ Hòe là một thế hệ vàng của Việt
Th.S Huỳnh Bá Lộc, giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM chia sẻ: “Việc ra mắt những quyển sách như thế này rất có ích cho chúng tôi, những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, và vô cùng bổ ích cho sinh viên, nhất là sinh viên khoa sử. Quyển sách do cụ Hòe, một người của lịch sử, viết về một thế hệ của mình, đã thể hiện những góc nhìn của người trong cuộc, làm sáng tỏ nhiều câu chuyện của các chân dung lịch sử đặc biệt này”.
Độc giả Lã Thị Hồng Thuấn, sinh viên năm 4 của trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, tham dự tại buổi ra mắt sách cho biết: “Dù thuộc thế hệ trẻ nhưng mà mình cũng rất quan tâm đến những vấn đề lịch sử. Mong rằng với quyển sách Gương mặt những người cùng thế hệ này sẽ giúp tôi biết thêm nhiều điều về lịch sử nước nhà những năm tháng đầu của TK 20”.
PHAN NHẬT ANH