Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: Tôi thích đọc Hoàng Tử Bé
Cập nhật ngày: 14/07/2016

Sáng 10/7, cuộc trò chuyện “ Sách và nhà khoa học” với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận và các dịch giả của tủ sách Khoa học – Khám phá đã diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, thu hút sự tham gia của hàng trăm độc giả thuộc đủ mọi lứa tuổi.

ảnh: Thị Thanh

Sách thắp lửa đam mê

Khi được hỏi quyển sách nào đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông, giáo sư Trịnh Xuân Thuận hồi tưởng lại những năm 1960, mỗi ngày ông đều ra thư viện Sứ quán Pháp ở Sài Gòn mượn sách về đọc. Khi đó, ông đã bắt gặp tác phẩm “Thế giới như tôi thấy” của Albert Einstein. Quyển sách đã khơi gợi trong ông hứng thú với khoa học và thế giới của các nhà nghiên cứu. Hứng thú đó được nuôi dưỡng thêm khi ông đến với Caltech, được nghe những bài giảng trong tuyển tập Các bài giảng vật lý của Feynman, chính là người thầy được giải Nobel của ông. Về sau, tập sách này được coi là Kinh thánh cho các nhà vật lý.

Những quyển sách khoa học đã thắp lên niềm đam mê của ông đối với lĩnh vực vật lý thiên văn mà sau này ông theo đuổi, nhưng những tác phẩm văn chương mới là cái cho ông khả năng lan rộng niềm say mê đó đến người người. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận rất thích văn học Mỹ Latinh, đặc biệt là Trăm năm cô đơn của nhà văn Garcia Marquez. Ngoài ra, ông cũng dành tình cảm đặc biệt cho tác phẩm Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry, tác phẩm mà “càng thêm tuổi, ta càng khám phá thêm nhiều tầng nghĩa mới”. Có lẽ nhờ ảnh hưởng của tác phẩm giàu chất thơ này mà các trang viết của ông rất giàu mỹ cảm và mềm mại.

Cơ duyên đưa đẩy, tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận đến tay dịch giả Phạm Văn Thiều, là một người hiểu được cái hồn văn của vật lý. Dịch giả chia sẻ rằng ngày còn trẻ, khi đi học tập ở xứ người, ông may mắn tìm đọc được các tác phẩm “khoa học tinh hoa” nổi tiếng, rất dễ đọc vì đậm chất văn. Từ đó, ông quyết tâm đem loại sách đó về nước và cùng các nhà vật lý, cũng là bạn đồng học là Vũ Công Lập, Nguyễn Văn Liễn lập ra tủ sách Khoa học Khám phá. Đến nay, đã có gần 30 đầu sách thuộc tủ sách này ra mắt độc giả, bàn về đủ các lĩnh vực vật lý, toán học, công nghệ, thiên văn…

Hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách, dịch giả Phạm Văn Thiều tỏ ra tiếc nuối khi ở Việt Nam, thói quen đọc sách không được chú ý rèn luyện từ thuở bé. Nhà báo Vũ Công Lập cũng khẳng định: “Không phải chúng ta không có ý thức, nhưng ý thức không được luyện thành thói quen. Mà muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải cần đến nỗ lực của toàn xã hội.”

Nhìn ra vũ trụ để thấy trách nhiệm của con người

Cuối buổi giao lưu, bạn đọc đã đặt ra cho các diễn giả nhiều câu hỏi thú vị và gai góc. Khi được hỏi về tình hình dạy học vật lý ở trường đại học Việt Nam, giáo sư Trịnh Xuân Thuận thẳng thắn nhận định rằng chúng ta vẫn chưa thể sánh bằng các trường đại học trong khu vực châu Á và thế giới, trong khi vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc.

Giáo sư cho biết, là một nhà khoa học, ông không có thẩm quyền quyết định mọi chuyện. Tuy nhiên, giới khoa học có thể tư vấn cho các nhà chính sách, nhà đầu tư nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển khoa học để họ đầu tư vào lĩnh vực này hơn nữa.

Đặc biệt nhất, một bạn đọc đã đặt vấn đề: Là người chuyên hướng tầm mắt lên vũ trụ rộng lớn, quan sát những quy luật vận động của tự nhiên, vậy thì từ vũ trụ rộng lớn đó nhìn về thế giới loài người, giáo sư nghĩ gì?

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận khẳng định: “Toàn thể loài người là một, là thống nhất, tất cả chúng ta đều là bụi của các vì sao. Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng sự sống của chúng ta. Trái đất đang bị hủy hoại trong tay con người. Nhìn ra vũ trụ cho chúng ta ý thức về trách nhiệm chung của nhân loại. Tất cả chúng ta phải chung tay, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, tạo ra thói quen tốt để mọi chuyện không là quá muộn.”

UYÊN PHƯƠNG

Các Tin Tức Khác