Một học giả có thể suy niệm gì về cứu cánh đích thực của kinh tế? Cứu cánh ấy liệu có phải là làm nên sự giàu có của vật chất, tiền bạc, tăng GDP hay các chỉ số tiêu dùng, doanh số, lợi nhuận tính toán được theo cách hiểu thông thường?
Không, kinh tế đâu có khô khan và trần trụi đến mức như vậy khi mà bản thân, từ góc độ từ nguyên, tác giả cuốn sách chỉ ra rằng: kinh tế là kinh bang tế thế, kinh thế tế dân, là trị nước giúp đời, đổi đời giúp dân. Ông thiên về cách hiểu của người xưa (chứ không phải khối người nay, trong xã hội thị trường) đúc kết về kinh tế: “Thân lạnh tổn tâm, dân lạnh tổn nước!”.
Có lẽ ngoài bìa, chỉ cần năm chữ “nhân văn và kinh tế” là đã đủ để nói về ý hướng cuốn sách này, không cần phải chua thêm “Tình và tiền trong quản trị kinh doanh”. Bởi hẳn đây là cuốn sách không chỉ nói về quản trị kinh doanh hay chỉ giới hạn vấn đề “tình” và “tiền”.
Xa hơn những khái niệm và giới thuyết, tác giả, GS Tôn Thất Nguyễn Thiêm đưa ra những vấn đề mà ông chiêm nghiệm từ nhiều năm trong tư cách một nhà nghiên cứu kinh tế (ông từng là tác giả của những cuốn sách kinh tế được giới chuyên môn đánh giá cao: Từ marketing đến thời trang và phong cách sống, thị trường, chiến lược; Cơ cấu: cạnh tranh về giá trị gia tăng; Định vị và phát triển doanh nghiệp hay bộ ba cuốn Dấu ấn thương hiệu), lật ngược lật xuôi hai chữ kinh tế rồi đặt trong tương quan liên ngành để “thấu đạt” cùng đích của hoạt động kinh tế thực ra là gì.
Khi trị giá chưa hẳn mang về giá trị, tiền bạc của cải chưa hẳn mang về sự giàu có trong tinh thần nhân loại, thì kinh tế cần được tư duy lại - đó trước hết là một khát vọng thăng tiến về giá trị, những nỗ lực hướng đến viễn tượng hoàn thiện thế giới mà ta vẫn gọi là lý tưởng. Ông viết: “Trong cuộc mưu sinh, con người đâu chỉ đơn thuần kiếm sống như mọi loài thú mà cơ bản còn muốn tìm ra ý nghĩa và giá trị của cuộc sống!” (tr.26).
Từ cách nhìn đó, người làm kinh tế cần quy hướng tới giá trị thay vì trị giá, khát vọng thay vì tham vọng, lý tưởng thay vì thực dụng, tinh thần hướng tha, cộng đồng thay vì vị kỷ, tìm kiếm sự bền vững thay vì ăn xổi giàu nhanh theo kiểu “rửng mỡ”, “rậm rật tứ bề”. Nhìn rộng ra, một nền kinh tế, chính sách kinh tế cũng vậy, cần kiến tạo cho được hệ sinh thái phát triển bền vững theo chiều hướng văn minh, văn hóa.
GS Thiêm nhấn mạnh: “... để việc phát triển bền vững thật sự thông đạt, phải chăng những điều hết sức cơ bản cần kiến tạo là nhà nước thông tuệ, xã hội thông thái và thị trường thông minh? Bởi không có được những yếu tố cấu thành hết sức trọng yếu như vừa nêu nhằm tạo dựng nên sự cộng thông giữa toàn hệ thống kiềng ba chân nhà nước - xã hội - thị trường, thì mọi thứ rồi cũng sẽ có nguy cơ bị tắc tịt như vẫn đã từng bao lần tắc tịt!” (tr.144).
Cuốn sách chia làm bốn phần: Phần 1: 4T phương Đông và 4H phương Tây (Tài, Trí, Tâm, Tầm và Hand, Head, Heart, Horizon); Phần 2: Văn minh, văn hóa và sự cộng thông giữa nhà nước, thị trường, xã hội: hệ sinh thái của phát triển bền vững, Văn hóa; Phần 3: Văn hóa quần thể và văn minh hợp quần: cho, nhận, lấy, trả, mượn, dựa... và Phần 4: Khí chất nhân văn của trà, rượu, cà phê: văn hóa tiêu dùng và văn minh kinh tế.
Tác giả là người có kiến văn Đông - Tây sâu rộng. Ông có giọng văn thong dong, hài hước, duyên dáng và giàu suy tưởng, biến những vấn đề học thuật nghiêm trọng trở nên những cuộc tán gẫu hào hứng, cởi mở.
Ông dẫn Kiều, mượn thơ Nguyễn Công Trứ, nhấn nhá tư tưởng trong văn chương Albert Camus, Victor Hugo, Mark Twain, Marcel Proust, Trần Dần, Nguyễn Gia Thiều cho đến lý thuyết kinh tế, quản trị của Friedrich Hayek, Marwin Bower, Peter Drucker... để luận giải một cách trí tuệ, bất ngờ - trong nhiều vấn đề mà nếu chỉ cần thiếu tư duy liên ngành sẽ dễ rơi vào tình trạng khô khan khu biệt.
Chương thứ 4 tưởng chừng là một chương lạc ra khỏi tổng thể, nhưng hóa ra chuyện trà, chuyện rượu, chuyện cà phê đi vòng trong câu chuyện của GS Thiêm lại làm nên một cái kết hấp dẫn mà rất trọng tâm cho một cuốn sách có thể gọi là tư tưởng kinh tế: “Khi tiêu dùng thiếu văn hóa và kinh tế chưa có văn minh thì rõ ràng đó là... đại nạn cho cả cộng đồng!” (tr.267).
Nguyễn Vĩnh Nguyên - Tuổi Trẻ chủ nhật