Hai tác phẩm được xướng tên, "Thông reo Ngàn Hống" của nhà văn Nguyễn Thế Quang và "Làn gió chảy qua" của nữ nhà văn Lê Minh Khuê đều đã được NXB Trẻ phát hành.
Sau 3 năm tạm dừng do tang lễ của Đức vua Rama IX, năm nay lễ trao "Giải thưởng văn học Đông Nam Á" lần thứ 41 đã được diễn ra như thường lệ. Lễ trao giải thưởng năm nay có 27 nhà văn, nhà thơ đến từ 9 nước ASEAN, trong đó Việt Nam có 3 tác giả đã vinh dự được nhận giải thưởng lần lượt theo các năm. Đó là nhà văn Nguyễn Thế Quang với tác phẩm "Thông reo Ngàn Hống" cho năm 2016; năm 2017 là tác phẩm "Vườn khuya" của nhà thơ Trần Hùng và năm 2018 là tác phẩm "Làn gió chảy qua" của nữ nhà văn Lê Minh Khuê.
Đây là một giải thưởng lâu đời và danh giá của hoàng gia Thái Lan trao cho những nhà văn có sáng tác văn học tiêu biểu trong khu vực ASEAN. Ngoài tôn vinh các nhà văn, nhà thơ về những đóng góp của nền văn hóa mỗi dân tộc, Giải thưởng Văn học ASEAN còn là biểu hiện đẹp đẽ của tinh thần cùng tồn tại trong hòa bình, cùng phát triển trong ổn định, cùng thịnh vượng trong hài hòa của cộng đồng các nước ASEAN.
Hai tác phẩm "Thông reo Ngàn Hống" của nhà văn Nguyễn Thế Quang và "Làn gió chảy qua" của nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã được NXB Trẻ phát hành.
Nguyễn Thế Quang là một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử mới nổi. Sau cuốn tiểu thuyết Nguyễn Du, viết về đại thi hào dân tộc, được dư luận chú ý, ông viết tiếp cuốn Thông reo ngàn Hống này nói về cuộc đời Nguyễn Công Trứ. Về nhân vật Nguyễn Công Trứ, tác giả không chỉ khẳng định công lao nhiều mặt của nhân vật lịch sử, mà còn tái hiện một nhân cách cao thượng, trong sáng, tài năng lỗi lạc. Dù trải qua nhiều cảnh ngộ khó khăn, oan trái, ông vẫn một lòng trung quân, ái quốc, an dân. Nguyễn không chỉ là một ông quan giỏi, một nhà thơ tài hoa, mà còn một tài tử có tầm văn hóa lớn. Nguyễn là kẻ thích hành lạc, đa tình mà vẫn chung tình. Không phải ngẫu nhiên mà trong tiểu thuyết, bên cạnh Nguyễn Công Trứ còn có hình tượng những người phụ nữ tài hoa, đa tình mà cao thượng tuyệt đẹp. Nguyễn Thế Quang không tập trung vào các giai thoại, thái độ ngất ngưỡng, mà xoáy sâu vào tâm trạng, nỗi đau giằng xé của kẻ sỹ trước thời cuộc.
Ở tập truyện ngắn Làn gió chảy qua, người ta có thể nhận ra một Lê Minh Khuê khác, mềm mại hơn. Nếu ở tập sách trước, tập Nhiệt đới gió mùa, những truyện ngắn của bà nhuốm màu chết chóc, bi thảm thì Làn gió chảy qua lại nhẹ nhõm, mà nói như nhà văn Hồ Anh Thái, là những truyện ngắn “đã đến độ thản nhiên tự nhiên, hầu như không vướng bận kỹ thuật”.
Nguồn VTV4.VTV.VN; TUOITRE.VN