Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

'Ga ký ức' - nơi gặp gỡ của những người nuối tiếc quá khứ
Cập nhật ngày: 06/05/2015

Trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn Phong Điệp vẽ nên một bức tranh sống động và sâu sắc về những biến chuyển đến chóng mặt của thời cuộc, từ thời bao cấp sang kinh tế thị trường.

Sau gần ba mươi năm bước vào đổi mới, đất nước đã thay đổi quá nhiều và quá nhanh. Đói kém dần lùi vào dĩ vãng. Nhưng sống trong thời kỳ mở cửa quá xô bồ này, đôi lúc làm người ta thấy sợ. Có những người - để cho tâm hồn được bình yên đôi chút - cố tìm về những ký ức xa xăm của một thời khốn khó ấy. Trên con đường tìm về quá khứ, ba nhân vật, ba số phận đã gặp nhau tại Ga ký ức

Một cô bác sĩ tâm thần mang trong mình hình ảnh xóm Chùa Cuối nghèo nàn. Cứ vào mùa mưa lũ, cả cái xóm nhỏ chìm trong biển nước mênh mông. Người lớn và trẻ con cùng chia nhau cái nóc tủ hẹp để tránh nước. Đêm đến, cô ngủ chẳng được ngon giấc vì lo cá theo dòng nước lũ vào nhà rỉa đứt ngón chân. Sau bao năm mẹ con cô mong ngóng, cuối cùng cũng đến ngày bố cô phục viên về làng. Nhưng hai chị em cô còn chưa kịp quen với bố thì ông bỗng bỏ đi biệt tích, không để lại một lời giải thích hay một lá thư. Đến khi trưởng thành, trong đầu cô vẫn còn ám ảnh bởi câu hỏi: “Tại sao bố bỏ ba mẹ con mà đi?”.

Trong khi ba mẹ con cô còn lo bữa no bữa đói với nồi cơm độn, thức thâu đêm dệt áo len từ máy dệt cũ đã han gỉ thì trong xóm, vận may đã đến với nhiều người. Đó là một ông quan chức sở Lao động - Thương binh - Xã hội đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài; hay một nhà tư thương trúng mánh làm ăn. Cũng từ đó, trộm cắp, lừa đảo và bao thói đời nanh nọc cứ thế tràn vào cái xóm nghèo bé nhỏ. Bây giờ, xóm Chùa Cuối đã không còn, thay vào đó là tòa nhà chung cư cao hàng chục tầng hiện đại. Hai chị em cô đã lớn, mỗi người có một mối bận tâm riêng. Cuối cùng, chỉ còn lại mẹ cô trong căn hộ chung cư lộng gió.

Một nhân vật chính khác được gọi với tên phiếm chỉ là "y". Y vốn là một bệnh nhân tâm thần trốn viện, mang trong mình nỗi ám ảnh về ngôi làng nhỏ nghèo nàn, bây giờ chẳng còn nổi chục nóc nhà. Nơi đó, một thầy địa lý vừa đi qua đã phán: “Mảnh đất này bị yểm bùa”. Ngôi làng ấy có bí ẩn về căn bệnh đáng sợ của dòng họ: đàn ông luôn bị những cơn đau đầu khủng khiếp hành hạ, còn đàn bà ai cũng phát điên rồi chết trước năm 18 tuổi. Những thiếu nữ xinh xắn, cứ thế cười hềnh hệch cả ngày. Nghĩa địa trong làng quá nửa là mộ của những cô gái còn trinh.

Nhân vật chính duy nhất được nhắc tên trong cuốn tiểu thuyết này là Phùng. Đó là một người đàn ông ngoài bốn mười đã chai sạn trước bao sóng gió của cuộc đời. Anh luôn mang trong mình ký ức đau đớn của một đứa con hoang bị cả làng hắt hủi. Ngày bé anh cố gắng học thật giỏi, lớn lên cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Tất cả chỉ để người đời phải nhìn anh bằng một con mắt khác, để bù đắp cho bao tủi cực mà mẹ anh đã phải chịu đựng vì không chồng mà sinh con. Phùng tưởng cứ cho mẹ sống trong nhà cao cửa rộng là bù đắp được cho bà. Nhưng cuộc sống cô đơn trong căn hộ cao cấp đã làm mẹ anh phát bệnh trầm cảm. Phùng thuê cô - với vai trò là một bác sĩ tâm lý - đến nói chuyện cho mẹ anh khuây khỏa. Từ đó, không chỉ có cô chữa được bệnh cho mẹ Phùng mà chính bà cũng đã xua tan những thổn thức trong lòng cô gái trẻ. Khi một tình yêu nảy nở trong trái tim chai sạn của Phùng cũng là lúc, cô biến mất…

Từ những câu chuyện riêng lẻ của từng số phận, Ga ký ức tạo nên một câu chuyện của thời đại. Sự phát triển và đô thị hóa quá nhanh của xã hội đã khiến con người ta biến đổi. Khoảng cách thế hệ càng ngày càng lớn khiến cho người ta, đặc biệt là người cao tuổi cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Còn người trẻ, thế hệ sinh ra và lớn lên trong cả hai thời cuộc, cảm thấy hoang mang.

Ga ký ức đánh dấu một bước trưởng thành của nhà văn Phong Điệp. Cuốn tiểu thuyết này không chỉ hấp dẫn ở nội dung mà còn độc đáo ở cấu trúc. Ba câu chuyện về ba con người được lồng ghép, đan cài một cách khéo léo để tạo nên một mạch truyện xuyên suốt. Những nhân vật với số phận riêng rẽ nhưng không biệt lập, vừa tương phản, vừa bổ sung, soi rọi lẫn nhau. Tác giả để cho người đọc những khoảng trống mà tự do liên tưởng. Chính khoảng không liên tưởng ấy đã tạo nên "sân ga ký ức" giúpba nhân vật gặp nhau.

Theo Quỳnh Anh - VnExpress

Các Tin Tức Khác