Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Đọc 'Trong vô tận' và sự chú mục vào nhân tâm thời đại
Cập nhật ngày: 10/06/2019

'Chưa đến 250 trang nhưng chứa đựng nhiều mảnh đời, nhiều sự kiện lịch sử và tất cả tập trung cho chủ đề lớn của thời đại hiện nay: kết nối quá khứ như là một hành động để hoàn thiện bản thân..'.

Tôi bắt đầu chú ý đến Vĩnh Quyền từ cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam, với tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ. Cuốn sách đoạt giải nhì (không có giải nhất), vốn được viết bằng Anh ngữ, xuất bản tại Mỹ (năm 2011), rồi tại Anh (năm 2014). Có chân trong ban giám khảo, tôi đọc kỹ tiểu thuyết này cùng các nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Trần Huy Quang, Lê Minh Khuê, Phạm Hoa.

Giữa năm 2018, Vĩnh Quyền gửi tôi bản thảo cuốn tiểu thuyết Trong vô tận (*). Tôi đã đọc say mê và muốn viết ngay về Trong vô tận dẫu lúc ấy sách chưa xuất bản, bởi ấn tượng và sự cảm phục trước một người viết kỹ lưỡng từ ý tứ đến văn phong. Cả Mảnh vỡ của mảnh vỡ cũng như Trong vô tận đều ngắn gọn, thanh thoát, có sức chứa, sức nặng của câu chữ.

Tiểu thuyết ngắn là “lợi khí” trong tay nhà văn viết trong cơ chế thị trường hiện nay (chú ý đến văn hóa đại chúng, chú ý đến hiệu quả kinh tế - nghệ thuật) và cơ chế đọc (khi thông tin đầy ứ, đôi khi nhiễu loạn). Độc giả cần thông tin thẩm mỹ. Viết ngắn là cách nhà văn giành lại công chúng nghệ thuật trong khi văn hóa nghe nhìn như con khủng long đang “ngoạm” dần hết thị phần văn hóa nói chung, văn chương đang có nguy cơ bị đẩy xa khỏi trung tâm 
văn hóa.

Với Vĩnh Quyền - cây bút viết truyện ngắn thành thục, thì viết tiểu thuyết sẽ biết tiết kiệm (thời gian, câu chữ) và tôn trọng quỹ thời gian của độc giả. Năng lực tiết chế (sống và viết) ấy của Vĩnh Quyền là một phẩm chất không dễ có với bất kỳ người viết văn hay làm nghệ thuật nào hiện nay.

Một người bạn chung, nhà văn Mỹ Zac Herman, cũng đánh giá: “Trong vô tận là tiểu thuyết ngắn đúng nghĩa. Chưa đến 250 trang nhưng chứa đựng nhiều mảnh đời, nhiều sự kiện lịch sử và tất cả tập trung cho chủ đề lớn của thời đại hiện nay: kết nối quá khứ như là một hành động để hoàn thiện bản thân” (tạp chí Nhà Văn & Tác Phẩm, số 29, tháng 5+6, 2018).

Viết ngắn không phải vì thiếu chữ, trái lại, vì tác giả đã làm chủ được phép tỉnh lược. Những bộ tiểu thuyết trường thiên hàng nghìn trang thời bây giờ mấy độc giả “ôm” được, kể cả tác giả của nó đoạt Nobel văn chương. Khuynh hướng viết tiểu thuyết ngắn đã được nhà văn Nguyễn Minh Châu dự liệu, cổ xúy cách nay những 30 năm. Và nay thì thấy nó “trương nở” trên văn đàn, có hiệu lực, hiệu quả nghệ thuật đáng lạc quan.

Tiểu thuyết Trong vô tận - NXB.TRẺ

Tại hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (tháng 2-2018), nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhắc đến Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền khi nói về xu hướng nhận thức lại quá khứ trên chủ đề chiến tranh. “Những mảnh vỡ số phận do chiến tranh gây nên không chỉ ngay trong thời chiến tranh diễn ra với bao nhiêu là hậu quả và hệ lụy, mà còn kéo dài sang tận thời hòa bình. Suy cho cùng, chúng ta đến nay vẫn chưa thoát ra khỏi chiến tranh. Hơn 4 triệu người Việt làm cuộc “thiên di” khổng lồ đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới; hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang đấu tranh đòi công lý, nhưng thắng lợi còn rất xa; bom mìn gây sát thương và chết người còn là mối hậu họa phải cả hàng trăm năm nữa mới chấm dứt nếu chúng ta giải quyết tháo gỡ theo cách làm thô sơ, chậm chạp hiện nay; những định kiến vô lý do chiến tranh gây nên đã khiến cái hố ngăn cách lòng người vẫn còn rộng rinh...”. Nên theo tôi, câu chuyện trong một gia đình như tiểu thuyết Trong vô tận tái hiện là cách viết mới về chiến tranh, hậu chiến. Đó là chú mục vào nhân tâm thời đại. Đó là nỗ lực lấp đầy hố ngăn cách lòng người, đó là xóa bỏ hận thù, vì hận thù làm đời người ngắn lại. Chuyển chiến tranh từ xã hội rộng lớn vào những “gia đình bé mọn” là cách viết thông minh, hợp thời, có cơ duyên đổi mới và hứa hẹn gặt hái 
thành công.

Có người sau khi đọc tiểu thuyết mới của Vĩnh Quyền sẽ gieo câu hỏi “Trong vô tận có phải là tiểu thuyết lịch sử?”. Về vấn đề này, cũng Zac Herman cho rằng: “Trong vô tận không phải là tiểu thuyết lịch sử nhưng rõ ràng nó được viết từ cảm hứng lịch sử, trên một chiều dài đáng kể về thời gian, trải năm thế hệ một gia tộc lớn ở thành phố được cho là chứng nhân mọi biến động quan trọng của lịch sử đất nước - Huế”.

Cái duyên văn của Vĩnh Quyền là “duyên ngầm”. Một cây bút văn xuôi vạm vỡ như thế nhưng thoạt đọc lại thấy hết mực khiêm tốn. Ông hiểu rộng, biết sâu, nhưng trong sự viết không khoe kiến thức. Cách kể chuyện của Vĩnh Quyền không hoàn toàn mới lạ, nhưng ông vận dụng khéo léo và triệt để cái uy lực của cách kể chuyện từ ngôi thứ nhất khi viết Trong vô tận. Các nhân vật xưng tôi đã dẫn dụ độc giả đi hết các cung bậc cảm xúc, qua bao cảnh ngộ, trạng huống, xung đột, lúc thắt chặt, lúc tháo bung, cởi nút các mâu thuẫn... Vì thế, Trong vô tận là một câu chuyện riêng, nhưng rốt cuộc lại liên quan mật thiết đến tất cả chúng ta.

(*): NXB Trẻ, 2019.

Bùi Việt Thắng - Báo Tuổi Trẻ

Các Tin Tức Khác