Trong một đêm tối, từ đài thiên văn Mauna Kea trên ngọn núi lửa đã chết có độ cao 4000m ở Thái Bình Dương, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã bắt đầu hành trình vào tận cùng đêm - như tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Pháp Louis-Ferdinand Céline.
![](/Images/News/nxbtre_full_02592020_035904.png)
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, ký ức sâu đậm nhất vẫn là những đêm tối mùa hè... có một người nằm trên mái nhà.
Mặt trời đã lặn phía chân trời, những cơn gió Lào đã ngưng thổi nhưng nhiệt độ vẫn cao và cái nóng vẫn hầm hập bám da thịt. Những lúc đó chỉ còn cách bắc thang leo lên mái nhà, nằm trên mái ngói đã bắt đầu nguội dần để ngắm bầu trời sao với tất cả sự lộng lẫy của nó.
Gió biển bắt đầu thổi vào mát rượi và bầu trời cao vời vợi với vô vàn vì tinh tú, nhất là những đêm không trăng. Nằm một hồi mát quá ngủ quên luôn trên mái nhà. Quá nửa đêm thấy lạnh mới lồm cồm thức dậy và leo xuống vào nhà ngủ tiếp.
Những đêm nằm trên mái nhà đếm sao ấy là những kiến thức sơ khai và tự phát về thiên văn học đầu tiên, dù cũng chỉ biết được vài chòm sao sáng nhất trên bầu trời.
Bao nhiêu năm xa nhà và sống ở thành phố, ánh sáng đô thị làm tôi và rất nhiều cư dân thành thị khác đánh mất thói quen nhìn lên bầu trời đêm. Trong cuốn sách về khoa học thưởng thức của Trịnh Xuân Thuận, ông gọi đó là sự ô nhiễm của ánh sáng đô thị.
Sau này, trong một lần được mời tham dự chuyến du hành đến New Zealand, tôi một lần nữa được bổ sung những kiến thức cơ bản về thiên văn học. Hơn 10g đêm chuyến trải nghiệm mới bắt đầu. Cả bọn đi cáp treo lên đỉnh núi cao nhất ở Queenstown và phải leo bộ lên đỉnh rồi từ đó mới được lần lượt ghé mắt vào ống kính viễn vọng để ngắm các chòm sao và nghe giải thích về từng ngôi sao, chòm sao, về Mộc tinh, Hoả tinh, về Nhật thực và Nguyệt thực, về tốc độ ánh sáng và Ngân hà hay Thiên hà bao la vô tận có tuổi đời hàng tỷ tỷ năm - những khái niệm vừa xa lạ vừa mơ hồ nhưng có sức hấp dẫn đặc biệt.
Những kiến thức cơ bản đó một lần nữa được bổ sung bằng cuốn sách “Một đêm” của nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận. Trong những ngày nằm nhà trốn dịch này, cuốn sách trở thành một món quà quý khiến tôi ngốn ngấu trong hai ngày là xong.
Có lẽ hiếm có một cuốn sách khoa học thưởng thức nào lại được viết một cách đơn giản, súc tích, dễ hiểu và giàu chất thơ như vậy, dù tôi cũng đã từng đọc qua một vài tác phẩm của nhà thiên văn học gốc Việt làm việc cho NASA đã từng được dịch ra tiếng Việt trước đây như “Giai điệu bí ẩn” và “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”.
Trong một đêm tối, từ đài thiên văn Mauna Kea trên ngọn núi lửa đã chết có độ cao 4000m ở Thái Bình Dương, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã bắt đầu hành trình vào tận cùng đêm - như tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Pháp Louis-Ferdinand Céline.
Chọn một chủ đề gắn liền với cuộc sống và công việc của các nhà thiên văn: màn đêm và lý giải nó ở góc độ thiên văn học. Nhưng không chỉ có thiên văn học với những kiến thức cơ bản và hấp dẫn, ông còn kết hợp với những trực cảm cá nhân (qua phần “Tự thoại” giàu chất văn chương và đặc biệt là kết nối khoa học với âm nhạc, thơ ca, văn chương, hội họa của những tên tuổi lớn trên thế giới để cùng lý giải và ngợi ca bóng đêm với những trích dẫn và hình ảnh vô cùng phong phú.
“Một đêm”, vì vậy là một cuốn sách gây được sự choáng ngợp về kiến thức (với những đứa có kiến thức thiên văn học sơ khai như tôi) đồng thời lại là một tác phẩm đẹp gây thích thú cho cả đôi mắt và tâm hồn như lời Trịnh Xuân Thuận viết trong lời đề từ.
Hãy trích dẫn một đoạn trong phần viết về Dải Ngân Hà của ông để thấy vũ trụ rộng lớn bao la đến đâu và con người nhỏ bé đến nhường nào:
“Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, dải Ngân Hà đã dần tiết lộ những bí mật của nó. Vào cuối thế kỷ 19, các nhà thiên văn học đã biết rằng dải Ngân Hà là một thiên hà, một tập hợp hàng trăm tỷ ngôi sao liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn, tất cả đều xoay quanh tâm của nó. Nhiều ngôi sao, bao gồm cả Mặt Trời, được bố trí trong một cấu trúc giống như một cái đĩa có đường kính 100.000 năm ánh sáng và độ dày nhỏ hơn 100 lần. Thăm dò Thiên Hà là công việc rất đồ sộ, vì hệ Mặt Trời, với kích thước 5 giờ ánh sáng, chỉ bằng một phần trăm triệu kích thước của thiên hà này. Để khảo sát toàn bộ dải Ngân Hà từ góc nhỏ Hệ Mặt Trời tương đương với kỳ tích của một con giun đất nhận biết độ lớn của toàn nước Pháp.
(...)
“Ngày nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra dải Ngân Hà chỉ là một trong số hàng trăm tỷ thiên hà. Mỗi thiên hà chứa hàng trăm tỷ Mặt Trời - hiện diện trong vũ trụ quan sát được. Và mọi thứ không dừng lại ở đó. Một số nhà vật lý đưa ra ý tưởng cho rằng vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong vô số những vũ trụ khác, tất cả tạo thành một “đa vũ trụ” rộng lớn. Vậy là, các tiến bộ của khoa học đã thu nhỏ vị trí của con người trong vũ trụ. Thay vì trung tâm thế giới, hành tinh của chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ, không hơn, lẫn trong đại dương vũ trụ bao la.”
Hành tinh của chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ trong vũ trụ bao la thì con người trên hành tinh chỉ là những hạt bụi khí lơ lửng mà thôi.
Biết được thế rồi thì an nhiên tự tại mà sống cho hết đời người và biết ơn được một lần làm người, như Michael Foessel viết trong “Đêm. Sống không nhân chứng”:
“Liệu còn biết làm gì, ngoài việc chúc mọi người và chính mình ngủ ngon, tức là có một đêm bình an?”
Còn ngoài đêm tối kia, hãy để cho những kẻ có khả năng “dạ thị” (tức khả năng nhìn trong đêm được quan sát thấy ở một số động vật và ở một số cá nhân) tiếp tục khám phá ra những bí ẩn và sâu thẳm của màn đêm.
Theo: Nhà báo Lê Hồng Lâm