Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Đèo Shiokari: Câu chuyện cảm động về sự hy sinh
Cập nhật ngày: 17/02/2025

Đèo Shiokari là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nữ văn sĩ Miura Ayako, chỉ sau tiểu thuyết đầu tay của bà là "Băng điểm".

Nếu "Băng điểm" là một sáng tác thiên về hư cấu, thì Đèo Shiokari lại lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật đã khiến lòng người rúng động, xảy ra ở Asahikawa thuộc Hokkaido, quê hương của tác giả và cũng là bối cảnh quen thuộc cho những sáng tác của bà.

Năm 1909, một đoàn tàu hơi nước chạy qua đoạn dốc trên đèo Shiokari. Bất ngờ, tàu bị hỏng và trật khớp, có nguy cơ lật xuống đèo và gây thương vong nghiêm trọng. Lúc này, Masao Nagano - một viên chức Công ty đường sắt đã cố gắng cứu vãn tình hình. Khi nỗ lực dùng thắng tay làm tàu ngừng lại vô hiệu, ông đã nhảy xuống đường ray, dùng chính thân mình chặn tàu, hy sinh mạng sống để cứu lấy toàn bộ hành khách.

Câu chuyện này đã chạm đến trái tim vô số con người. Đèo Shiokari là câu chuyện về ý nghĩa của cuộc sống và sự hy sinh, hay theo từ dùng trong tác phẩm, là làm thế nào để trở thành một người công chính.

Đèo Shiokari không chỉ là một câu chuyện mang ý nghĩa truyền đạo, mà còn là câu chuyện về hành trình tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống này. Trải dài hơn 350 trang sách là cuộc đời của Nagano Nobuo, từ lúc sinh ra tới sau khi anh ra đi, từ thơ ấu tới lúc trưởng thành.

Không có nhiều sự kiện gay cấn, đó là một cuộc đời bình thường, với tất cả những giai đoạn mà ai cũng phải trải qua: Được gia đình nuôi dưỡng, học tập ở trường lớp bạn bè, tò mò về giới tính ở tuổi mới lớn, ra đời kiếm sống nuôi gia đình, tìm kiếm tình yêu và mái ấm riêng. Và cuối cùng, là cái chết. Trong tên nhân vật, Ayako đã giữ lại chữ Nagano trong tên của người đã truyền cảm hứng cho tác phẩm này.

Xuyên suốt những chặng đường đời, Nobuo không ngừng đặt câu hỏi, tiếp thu ý kiến từ người xung quanh, tự chiêm nghiệm, và tìm ra câu trả lời của riêng mình. Tất cả chúng ta đều làm như thế suốt những năm tháng của mình, do đó, bạn đọc sẽ dễ dàng tìm thấy mình trong những suy tư và trăn trở của Nobuo.

Đèo Shiokari không thiên về kể chuyện, mà tập trung mô tả suy nghĩ của Nobuo về nhiều vấn đề trong cuộc sống, và sự thay đổi của nó qua từng giai đoạn. Các vấn đề rất đa dạng, bao trùm cả sinh mệnh: Niềm tin, sự phân tầng xã hội, giới tính, tình yêu, trách nhiệm, ý nghĩa của cuộc sống, và cái chết.

Đèo Shiokari không chỉ là một câu chuyện về tôn giáo, đó là hành trình học hỏi và tự vấn để trưởng thành, đi tìm ý nghĩa cuộc sống và đối mặt với cái chết.

“Con người dù không có hai tay, hai chân, dù mắt không nhìn thấy được, dù tai không nghe thấy được, dù không nói được lời nào đi chăng nữa, nhưng tất cả họ giống nhau ở chỗ đều là con người cả.

Dẫu rằng mình biết đó là việc tốt, thế nhưng muốn thực hiện được điều đó thì quả là khó. Việc gì mà mình cảm thấy muốn làm thì mình làm. Việc gì mà mình cho là không được phép làm thì không nên làm. Thế nhưng không ai làm được như vậy cả..." - quan điểm của tác giả trong cuốn sách.

Qua giọng văn vừa triết lý vừa bình dị của Miura Ayako, bạn đọc sẽ dễ dàng tìm thấy chính mình trong trang sách, và một vài câu trả lời cho cuộc sống của mình.

Miura Ayako (1922 - 1999) là một trong những nữ nhà văn nổi tiếng và được yêu mến nhất của Nhật Bản. Ra mắt tiểu thuyết đầu tiên là Băng điểm năm 1964, mang tên tuổi bà nổi lên như một hiện tượng văn học.
Miura Ayako sáng tác không ngừng, trong suốt văn nghiệp của mình, bà đã giới thiệu hơn 80 tác phẩm cả hư cấu và phi hư cấu. Sinh ra ở thị trấn Asahikawa thuộc mạn Bắc Hokkaido, Miura Ayako lấy đây làm bối cảnh thường xuyên cho các tác phẩm của mình.
Sáng tác của Ayako tập trung khám phá sâu sắc nội tâm con người, những xung đột đạo đức và những vấn đề xã hội gai góc. Bà đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, văn hóa và tôn giáo danh giá, ghi nhận những đóng góp to lớn của bà cho nền văn học và văn hóa nước nhà.

 

THEO BÁO LAO ĐỘNG

Các Tin Tức Khác