Xuất bản chính thức quyển tiểu thuyết Áo Trắng và một gặp gỡ cảm động.
Đó là cuộc gặp gỡ giữa giáo sư Bae Yang Soo, người dịch quyển tiểu thuyết Áo trắng (tác giả Nguyễn Văn Bổng) và nhân vật nguyên mẫu ngoài đời: chị Nguyễn Thị Châu. Quyển sách đã từng được dịch sang tiếng Hàn Quốc từ năm 1987, và là sách gối đầu giường của sinh viên Hàn Quốc trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Jeon Du Hwan…
• Nhiều năm nay, Giáo sư Bae Yang Soo, giáo sư giảng dạy tiếng Việt môn Văn học Việt Nam tại trường Đại học Pusan đã là người bạn thân thiết của Việt Nam. Ông là người Hàn Quốc đầu tiên thực hiện một trang web để thông tin tất cả những sự kiện về Việt Nam trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử…Trên trang web này, người Hàn Quốc có thể đọc được những tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam như Chinh phụ ngâm và một số tác phẩm đương đại. Ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu rất sâu về Việt Nam như Con người và đất nước Việt Nam qua các tác phẩm văn học, nghiên cứu chất huyền thoại về nguồn gốc dân tộc Việt đến chất anh hùng ca trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi… Gần đây ông còn nghiên cứu và vừa hoàn thành công trình về Lịch sử điện ảnh Việt Nam. Riêng trang tiếng Việt ông đã công phu dịch truyện Xuân Hương, một tác phẩm kinh điển của Hàn Quốc, để người Việt Nam có thể hiểu thêm về văn học Hàn Quốc.
• Khi dịch đến những dòng cuối tiểu thuyết Áo trắng với tấm lòng yêu thương và ngưỡng mộ nhân vật chính, cô nữ sinh Áo trắng tên Phượng trong truyện, ông đã đi tìm hỏi những người bạn Việt Nam để mong muốn được gặp nguyên mẫu ngoài đời. Khi biết tin chị, ông đã lập tức bay từ Hàn Quốc sang để gặp được chị. Cuộc gặp gỡ giữa hai người xa lạ, nhưng dường như lại quá thân quen, bởi đó là những nhân vật mà hằng đêm ông đã miệt mài trên trang giấy với nỗi xúc động sâu xa. Đó chính là Hoàng và Phượng thời tuổi trẻ, và bây giờ là anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu, đôi bạn chiến đấu trong phong trào sinh viên học sinh với những dòng thơ nổi tiếng chị khắc trên vách đá chốn lao tù. Bây giờ họ đã là của nhau sau bao năm ngăn cách và cả hai mái đầu đều bạc… Chuyện kể cách đây hơn 40 năm, những câu chuyện còn in dấu ấn của một thời máu lửa, một thời họ đã yêu nhau trong nỗi khát khao hạnh phúc, trong niềm tin mãnh liệt về ngày hòa bình, thống nhất đất nước.
• Quyển Áo trắng đã từng được tái bản ở Hàn Quốc 35 lần (20 năm) nhưng chưa ai biết tên người dịch. Giáo sư Bae Tang Soo tâm sự:
“Chúng tôi chuyền tay nhau quyển sách và đọc ngấu nghiến, có lẽ vì nguyên tắc bí mật, nên người dịch đã không công khai tên mình. Ngay cả đến bây giờ. Đến khi tôi được đọc nguyên bản bằng tiếng Việt, mới hay trước kia mình đã đọc một quyển sách không theo trình tự nào cả, dường như đã có nhiều người phân công dịch chương một và khi ráp lại thì không theo thứ tự. Lần này, hai nhà xuất bản Chim Gu (Bạn bè) và Dong Nyok (Phương Đông) đã hợp tác xuất bản và mua bản quyền với gia đình ông Bông. Có thể nói đây là lần #xuất_bản_chính_thức của quyển Áo trắng.
- Nhưng với một quyển sách đã in quá nhiều lần, liệu bản mới này có được độc giả Hàn Quốc đón nhận hay không?
- Tôi tin sách sẽ bán chạy, vì nó sẽ có hai thế hệ độc giả, lớp sinh viên đã từng đọc bản cũ tất sẽ có nhu cầu tìm đọc bản mới. Giới trẻ hiện nay rất muốn tìm hiểu vì sao mà cha anh họ lại gối đầu giường quyển sách này.
-Khi gặp chị Châu, ông có nhìn thấy được mối liên hệ giữa chị Châu và cô nữ sinh Phượng trong truyện?
- Tôi hình dung một cô Phượng đầy ý chí, thông minh, dũng cảm; nhưng khi gặp chị Châu chị lại gây ấn tượng cho tôi về vẻ đẹp trong sáng, ôn hòa. Tôi nghĩ chị Châu sống rất đạm bạc, vị tha nên gương mặt chị tỏa sáng rất nhân hậu.
- Khi dịch quyển sách, ông có cảm thấy đồng cảm với nhân vật…?
- Tôi có những cảm xúc rất mãnh liệt và rất kính phục chị Châu khi đọc những cảnh tra tấn dã man của bọn điều tra đối với cô nữ sinh Áo trắng. Tôi càng đồng cảm với nhân vật hơn khi biết chị xuất thân từ nông thôn với những ước mơ đơn giản là được làm cô giáo hay y tế. Tôi cũng xuất thân từ nông thôn và từng có những mơ ước bình dị như vậy…
Phải, cảm xúc mãnh liệt của ông chúng ta có thể hiểu, bởi vì Bae Yang Soo cũng từng tham gia trong phong trào sinh viên học sinh và đã tham dự những cuộc biểu tình lớn tại trường Đại học Pusan, nên ông hơn ai hết thấm hiểu trên từng trang viết. Ông dịch bằng tình cảm của những người bạn, người cùng chí hướng và ông như được sống lại quãng đường tuổi trẻ của mình với dùi cui, lựu đạn cay và những đàn áp đẫm máu trên sân trường đại học…
- NGÔ NGỌC NGŨ LONG -
#ThángBaSáchTrẻ2020
#ÁoTrắng #NguyễnVănBổng
🌻🌻 #Sự_kiện_ra_mắt
CHƯƠNG TRÌNH RA MẮT TIỂU THUYẾT ÁO TRẮNG – TRÒ CHUYỆN CÙNG CỰU TÙ CÔN ĐẢO
🌷🌷 Thân mời bạn đến tham dự buổi Giao lưu đặc biệt này nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống sinh viên học sinh 9/1/2020, chương trình diễn ra lúc 9h sáng tại sân khấu chính Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM
✮✮ Khách mời đặc biệt trong chương trình: Anh Lê Hồng Tư và Chị Nguyễn Thị Châu - 2 nhân vật chính trong tiểu thuyết này.
•• Thông tin chi tiết: https://www.facebook.com/