Nhà văn Đỗ Tiến Thụy vừa từ Hà Nội vào TP.HCM gặp gỡ bạn đọc tại đường sách trong chương trình Trò chuyện văn chương sáng 25-11, xoay quanh tiểu thuyết của ông Con chim joong bay từ A đến Z.
Cùng giao lưu có nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, bạn bè, đồng nghiệp và độc giả quan tâm khiến MC - nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc gọi đây là một buổi ngoại khóa về văn chương...
Bút pháp ba sợi thừng
Ý tưởng mới mẻ về việc chuyển tải mạch truyện xuất phát từ lần tình cờ nhà văn Đỗ Tiến Thụy nhìn thấy hình ảnh từ chiếc flycam đang truyền về máy laptop.
"Tôi chợt nảy ra một nhân vật dẫn truyện có cái nhìn bao quát toàn cảnh, lại có thể zoom vào cận cảnh.
Và thế là ý tưởng xây dựng con chim joong - loài chim họ két biết nói tiếng người - để dẫn truyện được hình thành" - Đỗ Tiến Thụy kể lại.
Tôi viết chậm và chủ yếu sử dụng chi tiết. Thà viết một truyện ngắn ngồn ngộn chi tiết và hay, còn hơn viết mười truyện với mỗi truyện có một hai chi tiết nhàn nhạt
ĐỖ TIẾN THỤY
Joong chứng kiến sự vận hành của một gia đình ba thế hệ gồm: cụ chủ - một vị tướng lừng danh trong chiến tranh, ông chủ - bà chủ (con rể và con gái cụ chủ) và cậu chủ - cháu ngoại cụ tướng.
Những vấn đề hóc búa được đặt ra, như cụ tướng vận động đồng đội nay là quan chức chống tham nhũng, lập tức có phe chống lại.
Cuộc trao đổi trên điện thoại trước sự chứng kiến của con joong khiến nó ghi nhận được một câu, để rồi mỗi khi cụ tướng họp gia đình bàn bạc về chống tham nhũng, gặp lúc căng thẳng, bất ngờ con joong cất tiếng "Việt Nam không làm được đâu" khiến mọi người "giật thột".
Với con chim joong trong tác phẩm này, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng Đỗ Tiến Thụy tìm được lối dẫn chuyện cực hay.
Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Dù đã in ngót chục cuốn sách nhưng đến Con chim joong bay từ A đến Z này, tên tuổi Đỗ Tiến Thụy mới găm chặt vào tâm trí người đọc".
Tuy nhiên, Đỗ Tiến Thụy chia sẻ khi viết được nửa truyện thì thấy chưa ổn vì con chim joong không thể suy nghĩ như người, trong khi truyện cần tái hiện cả quá khứ chiến tranh của nhân vật.
hế là bản thảo phải gác lại gần một năm, đến khi Đỗ Tiến Thụy tìm được nhân vật thứ hai là khẩu đại liên.
Khẩu đại liên xuất thân từ Mỹ, trong chiến tranh thuộc về tay của nhiều "ông chủ". "Nhân vật này bảo đảm tính khách quan vì chỉ hành động theo tay chủ" - Đỗ Tiến Thụy cho hay.
Và theo hành trình khẩu đại liên lưu lạc qua tay nhiều người nhiều phe, từng trang tiểu thuyết hiện lên các trận đánh khốc liệt.
Với Đỗ Tiến Thụy, con chim joong, khẩu đại liên, lời dẫn truyện truyền thống là "ba sợi thừng" bện vào nhau để phát triển các tuyến truyện trong tiểu thuyết này.
Viết thì đừng sợ, sợ thì đừng viết
Có bạn đọc hỏi nhan đề "từ A đến Z" có sức gợi rằng các vấn đề đặt ra trong tiểu thuyết sẽ được viết "tới Z", thế nhưng khi viết, đặc biệt là viết về tham nhũng, có khi nào tác giả ngập ngừng, không dám viết "tới nơi tới chốn"?
Và câu trả lời từ Đỗ Tiến Thụy cũng rất chuyên nghiệp.
Ông cho rằng khi viết, ông ý thức rất rõ về trách nhiệm công dân của mình, rằng "có nhiều đêm tay tôi cũng run run trên bàn phím khi cân nhắc không biết có nên viết đến chỗ đó không. Nhưng tôi có tâm niệm là nếu viết thì đừng sợ, còn sợ thì đừng viết".
Ở góc độ khác, tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z (NXB Trẻ ấn hành) còn là sự thành công của việc xử lý tài liệu, bởi không gian truyện được cấu tứ trải dài từ thời chiến tranh đến nay.
Thật may mắn, tác giả có đến 14 năm sống tại Quân đoàn 3 Tây Nguyên, những câu chuyện của người lính, kinh nghiệm chiến trường ông thu thập được xứng đáng xem là nguồn tài liệu "độc đáo không đụng hàng".
Bên cạnh đó là tài liệu từ sách báo, về mảng này, Đỗ Tiến Thụy cho biết ông không sử dụng thô thiển các tư liệu, mà văn học hóa để mạch truyện không bị gượng. Ngoài ra là nguồn thứ 3: tài liệu từ nước ngoài và chi tiết lịch sử.
Nhưng hơn tất cả, chiều sâu của tác phẩm là sự xung đột của các giá trị cũ và mới. Ở đó, cái mới thông qua hình tượng nhân vật cậu Gấu từ chỗ đầy hi vọng trở thành hư hỏng, bởi nền tảng là đạo đức gia đình bị đổ vỡ.
Nhà thơ Lê Minh Quốc gửi một câu hỏi vào bạn đọc: Giá trị cốt lõi trong gia đình thời hiện tại phải như thế nào?
Câu hỏi đó có thể trở thành đề tài và nguồn cảm hứng cho một tiểu thuyết khác trong tương lai.
Theo Tuổi Trẻ (Lam Điền)