Người ta thường nói chữ “thương” nặng lắm, đừng tùy tiện nói ra. Nhưng khi nói được chữ “thương”, tức là phải thật lòng thật dạ, tận tâm can. “Thương”, có thể là dành tình cảm sâu đậm cho ai đó, cũng có thể là dành sự yêu mến cho nơi nào đó, điều gì đó. Không ai bắt buộc chúng ta phải thương, cũng không điều gì có thể định nghĩa đầy đủ chữ “thương”, chỉ có lòng chúng ta biết rõ. Hãy thử lắng nghe lòng mình xem, bạn đã thương một ai đó thật nhiều, thương một điều gì đó thật lâu và thương một nơi nào đó đến suốt cuộc đời chưa? Nếu chưa, thì hãy đọc combo sách “Thương” này của Trẻ, biết đâu ngày nào đó, bạn nhận ra, bạn “thương” thế giới này vô cùng.
Quyển “Cảm ơn vì đã được thương” (tản văn)
Có bao giờ bạn dừng dưới bóng một cái cây, ngước nhìn và rồi thầm cảm ơn bóng mát đã cho mình nương nhờ; lá xanh, hoa đẹp đã tô điểm cho con đường đi qua; chồi non đã cho mình thấy được mùa sang… để rồi “Theo dõi hành trình kỳ diệu của cây, tôi khám phá ra rằng, cây đã tặng tôi những phút giây đẹp nhất của mình. Phải chăng, chỉ có những người bạn thật sự, mới chia sẻ cả với nhau cả những giờ đớn đau lẫn giây phút huy hoàng. Và cây đã coi tôi là bạn.” giống như tác giả tập tản văn này?
Những điều tưởng chừng như nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, như cỏ cây, như mùi quê nơi phố thị, như tình thương yêu bất tận của Má, như những ấm áp bất chợt dù lúc đớn đau khi số phận bỡn cợt… đã được viết ra như một nhu cầu thiết thân của tác giả, chỉ để cảm thấy "viết để cảm ơn cuộc đời, rằng mình ở trong người thương, trong bạn bè, trong cây mưa lá gió, trong mọi thứ."!
Chẳng phải đôi khi đi chậm lại, thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên quanh mình, vẻ đẹp tình yêu bao bọc mình, với lòng ngưỡng vọng và thầm “Cảm ơn vì đã được thương” cũng là nhu cầu thiết thân của mỗi chúng ta trong cuộc đời này sao?
Quyển “Thương còn không hết..., ghét nhau chi!” (Tản văn)
Nối tiếp thành công của tập sách đầu tay An nhiên mà sống, MC Quỳnh Hương cho ra mắt tiếp tục tập tản văn Thương còn không hết…, ghét nhau chi! - với mong muốn truyền tải thông điệp tích cực, lan tỏa yêu thương đến tất cả mọi người.
Trong tập sách lần này, những bài viết mang tính sẻ chia về cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, lòng tốt của con người… không chỉ được khơi mở từ những điều góp nhặt trong cuộc sống của chính tác giả mà cả trong những cánh thư mà độc giả gửi tới chương trình Thay lời muốn nói, hay từ những câu chuyện hậu trường Tiếng hát mãi xanh. Những chất liệu sống mang đậm chất đời thường mà lay động mãnh liệt đó, đã làm nguồn cảm hứng bất tận cho những bài viết thường nhật của tác giả trên trang facebook Quynh Huong Le Do, được tuyển chọn và tập hợp lại thành quyển sách nhỏ này, với hy vọng mang đến cho độc giả một góc nhìn lạc quan, lành mạnh và tràn đầy tình yêu thương đối với cuộc sống.
Quyển “Thương nhau chung một mái nhà” (tản văn)
Những mẩu chuyện nhỏ ấm áp tình cảm gia đình của tác giả quen thuộc Nguyên Hương nghe rất quen thuộc, ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó. Đọc sách rồi tự nhiên muốn trở về nhà ăn một bữa cơm với người thân, nói vài lời thân ái.
Giữa trăm vạn kiếp người xuôi ngược, duyên sâu đến nhường nào, thương nhau đến nhường nào mới về chung một mái nhà? Chung một mái nhà cho nên càng thương nhau. Lựa một miếng ăn ngon gắp vào bát thì dễ, lựa lời nói, lựa từng cử chỉ nhỏ để mà không vô tình làm xước lòng nhau... thiệt khó.
Cuốn sách ấm áp và dịu dàng, đậm tình yêu của một tác giả đã là vợ, là mẹ. Món quà yêu thương để thay lời yêu khó tỏ đến những người thân thiết bên mình. Thời gian càng dài, chặng đời càng mệt, thì ngó lại, vốn liếng lớn nhất vẫn chính là bên mình còn bao nhiêu người gọi là "người thân".
Quyển “Thương nhau hai tiếng cố nhân” (truyện ngắn và tản văn)
Tác phẩm gồm những truyện ngắn và tản văn nhẹ nhõm, dễ chịu viết về cuộc sống quanh ta. Nơi đó có tiếng cười hài hước, có nước mắt rơi, có người xưa chốn cũ gợi biết bao yêu thương và nhung nhớ, nhưng cũng có những cái níu tay rất chặt nhắc ta hiện tại mới là đáng quý, hãy biết trân trọng và yêu thương.
Một tập sách đặc biệt dành cho những ai đã qua tuổi trưởng thành, đủ chiêm nghiệm về cuộc sống để thấy mỗi khoảnh khắc đã qua, dù vui hay buồn, đều THƯƠNG biết bao nhiêu.
Quyển “Thương trên bến đợi” (truyện ngắn)
Tập truyện ngắn xoay quanh đa dạng đề tài và kiểu nhân vật, từ anh chủ quán cơm mê văn chương chữ nghĩa đến bà mẹ vùng trung du biến nhà mình thành trạm trung chuyển cho những người lính tạm nghỉ chân để tiếp tục ra chiến trường, từ cô giáo trẻ dang dở trong tình yêu đến đứa trẻ vô thừa nhận...
Tác giả trẻ Bảo Thương kể những câu chuyện vừa phải, không quá đao to búa lớn nhưng đã xây dựng được những tình huống điển hình, bộc lộ khá rõ tính cánh nhân vật, qua đó gửi gắm nhiều chiêm nghiệm và thông điệp nhân văn. Lối viết tỉnh, câu văn tự nhiên như thủ thỉ truyện trò, phân tích tinh tế nội tâm nhân vật, những truyện ngắn của cô đẹp lấp lánh và ám ảnh.
Quyển “Thương nhớ Đồng Văn” (du ký)
Như một lời thì thầm kể lại những câu chuyện, những cảm xúc và tình yêu của mình với những nơi đã qua, CTV lâu năm của chuyên mục Du lịch TTO Thủy Trần sẽ đưa độc giả đi qua những miền đất khác, từ điểm “đầu trời” Tổ quốc đến mũi Cà Mau, từ đồng bằng đến nơi đảo xa, từ cao nguyên đến nơi thành thị, từ rừng núi cao Tây Bắc - Đông Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long,...
Và đặc biệt là tình yêu chị dành cho “cao nguyên đá” Đồng Văn, những bài viết như lời tỉ tê, thủ thỉ chị muốn nói cùng mảnh đất địa đầu, nơi có “tiếng khèn môi sau bờ rào đá”, khi “cao nguyên đá nở hoa”, khiến xui trăn trở mà Thương nhớ Đồng Văn.
NXB TRẺ