Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

CÁC TÁC PHẨM VỀ SÀI GÒN CỦA NHÀ VĂN LÊ VĂN NGHĨA VÀ NHỮNG TIỂU PHẨM TRÀO PHÚNG KHÁC
Cập nhật ngày: 01/03/2021

Lê Văn Nghĩa có các bút danh nổi tiếng: Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ... Ông là người ghi chép và kể nhiều câu chuyện về Sài Gòn xưa được bạn đọc hâm mộ, ngoài ra, còn nhiều tác phẩm trào phúng mang tính báo chí khác. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những tác phẩm của nhà văn Lê văn Nghĩa đã được NXB Trẻ phát hành nhé.

  1. Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ

Ký ức về một Sài Gòn xưa đã hiện lên rõ nét qua từng trang sách, viết về tác phẩm nhà văn Lê văn Nghĩa đã nhắc lại “nhiều chuyện mà bây giờ còn mấy ai biết, mấy ai nhớ”. Tác phẩm như tái hiện lại một Sài Gòn xưa, sống động và chân thật mà những ai đã từng sống vào những thập niên 60-70 sẽ không thể nào quên được. Đó là một Sài Gòn lạ lẫm với những hàng cây cao su, Sài Gòn rực rỡ ánh đèn màu của các rạp cải lương, Sài Gòn sôi động với các ban nhạc trẻ, Sài Gòn với bến tắm ngựa và những con đường ghi đậm dấu tích một thuở, Sài Gòn bỡ ngỡ trong những luồng văn hóa mới, Sài Gòn ấm áp tình người thuở tao loạn,... mà giới trẻ hiện nay mấy ai mà biết được, còn các bác, các cô chú thì như được sống lại trong quá khứ của họ.

Quyển sách phù hợp cho ai muốn tìm về ký ức xưa về một vùng đất đã từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” và những ai yêu mến nó.

  1. Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian

Cùng với tác phẩm Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, tác phẩm viết về Sài Gòn xưa không phải qua những kiến thức của một nhà nghiên cứu mà lại qua ngòi bút của một người luôn yêu mến Sài gòn của nhà văn Lê văn Nghĩa.

Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian đúng với cái tên gọi của nó là tổng hợp những ghi chép của tác giả về những câu chuyện xưa cũ ở Sài Gòn. Qua những ghi chép sống động của nhà văn cho thấy ông là một người yêu mảnh đất Sài Gòn tha thiết, ông đã lục lọi hết trong ký ức của mình về để viết về một hình ảnh Sài Gòn hết sức sống động, đó là về chuyện ăn, uống, giải trí, thói quen sinh hoạt… cho đến những nhận định sâu sắc hơn về lịch sử, dấu tích cha ông trên một vùng đô thị đang hiện đại hóa từng ngày.

  1. Mùa hè năm Petrus

Tác phẩm như cuốn hồi ký của tác giả về những tháng năm học trò nơi ngôi trường mà ông từng theo học. Những câu chuyện về trường lớp, thầy cô, bạn bè và những mối quan hệ của các cậu nam sinh ở lớp cuối trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở ngày nay) vào giữa cuối thập niên 60 của thế kỷ trước ở Sài Gòn.

Giọng văn hấp dẫn, trong sáng, tự nhiên và lôi cuốn khác hẳn với giọng văn và lối viết trào phúng trước đây của ông. Trải dài cả quyển sách là câu chuyện về các cậu học trò vô tư, nghịch ngợm. Cả một thanh xuân của tuổi học trò được ông viết lại một các chân thật nhất, thật khiến con người ta nhớ lại những ký ức tươi đẹp về trường lớp, bạn bè thời còn cắp sách đến trường của bản thân mình.

  1. Nỗi buồn đàn ông

Tập truyện gồm hai phần: những tiểu phẩm hài, và các tạp bút cũng mang yếu tố hài hước. Lối viết truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa luôn hấp dẫn người đọc bằng cách dẫn truyện dí dỏm và thường thì kết thúc bất ngờ bằng tiếng cười.

Trong tập truyện ngắn Nỗi buồn đàn ông bằng lối viết trào phúng ấy, tác giả đã lên án mạnh mẽ về các thói hư tật xấu trong xã hội, như vấn nạn trộm chó, vấn nạn của mấy bác quan lớn, mấy ông bợm nhậu, mấy người dắt chó đi bậy,...

  1. Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ

Câu chuyện được lấy bối cảnh ở Sài Gòn khu Chợ Lớn vào những thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Tác phẩm có dung lượng ngắn hơn Mùa hè năm Petrus, nhưng được viết mạch lạc, chặt chẽ, sinh động hơn hẳn, điều đó cho thấy nhà văn Lê Văn Nghĩa rất tâm đắc với tác phẩm này của mình.

Cuốn sách Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ có nội dung đúng như tên gọi của nó, câu chuyện kể về “tụi lớp Nhứt trường Bình Tây” gồm Lượm, Hải, Vân, Cảnh, Són… với con chó nhỏ Mót và cây viết máy Pilot, cả ba đối tượng đều được liên kết chặt chẽ với nhau.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc cậu bé nhà giàu Són bị mất chiếc bút Pilot xịn của mình. Xuyên suốt câu chuyện đều là những vấn đề mà trẻ em thường hay gặp phải như đố kỵ, vu khống, không trả lại đồ cho người mất,... nhưng tất cả mọi việc đều được giải quyết một cách êm đẹp nhờ tình bạn đẹp của lũ trẻ và cách xử lý khôn ngoan của cô giáo An Khê. Chính sự thiện lương của lũ trẻ mới có thể giải quyết được vấn đề của chúng. Có lẽ đây cũng chính là bài học mà tác giả muốn gửi gắm.

  1. Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy.

Tác phẩm như một thước phim xưa cũ về một khu người Hoa nghèo nằm ở khu Quận 6 Sài Gòn vào những thập niên 60. Tác phẩm đã thành công khắc họa lại đời sống, con người, nhịp thở của Sài Gòn thuở ấy.

Tuy tác phẩm được viết cho thiếu nhi nhưng lại được các bác trung niên yêu thích hơn cả vì khi lật từng trang sách, họ như được sống lại trong miền ký ức thuở ấu thơ của mình được tái hiện một cách chân thật qua lũ trẻ ở khu xóm nghèo trong tác phẩm.

Cái tên tuy dài nhưng đã nói lên hết nội dung của tác phẩm, ba mạch truyện “Chú chiếu bóng”, “Nhà ảo thuật”, “Tay đánh bài” được gắn kết với “tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”. Thằng Minh, thủ lĩnh của nhóm được chú Hai Ngon dìu dắt gắn liền với mạch truyện “Chú chiếu bóng”, thằng Ti lém lỉnh, nghịch ngợm gắn liền với “Nhà ảo thuật”, còn thằng Chim to con gắn liền với “Tay đánh bài”.

  1. Chuyện chán phèo

Đây là tập sách thứ 16 và là tập truyện trào phúng thứ 14 của Lê Văn Nghĩa, cây bút chủ lực của báo Tuổi Trẻ Cười, “cha đẻ” của nhân vật trào phúng Linda Kiều, Đại Văn Mỗ, Điệp viên Không Không Thấy…

Tập truyện là một tuyển tập gồm những mẩu chuyện trào phúng được tác giả sáng tác trong gần 30 năm qua. Truyện tuy có cũ và mới, nhưng giá trị hiện thực thì vẫn còn tươi rói. Ta có thể gặp đâu đó trong tập truyện những nguyên mẫu rất gần trong đời sống chúng ta.

Đọc Chuyện Chán Phèo để tự thư giãn, tự cười cho đời vui hơn, đáng sống hơn.

  1. Tào lao xịt bộp!

Là tuyển tập truyện trào phúng đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa. Qua những mẩu chuyện vui, châm biếm đầy tính thời sự của một người làm báo sẽ giúp cho bạn đọc có những nụ cười thoải mái để quên đi những mệt mỏi trong cuộc mưu sinh.

Thạc Sĩ

Các Tin Tức Khác