Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

7 TÁC PHẨM ĐỂ HIỂU THÊM VỀ MỘT THẾ HỆ KHÁC LẠ Ở HÀ NỘI
Cập nhật ngày: 01/04/2021

Nguyễn Việt Hà có một giọng văn khác lạ - không phải dễ ai đọc một lần thì sẽ hiểu, sẽ muốn đọc. Nhưng chầm chậm đọc Nguyễn Việt Hà, sẽ thấu hiểu thêm về xã hội Hà Nội ở lúc giao thời, giữa hiện đại trộn lẫn cổ xưa, giữa tình người đang thay đổi.

  1. Cơ hội của Chúa

Tác phẩm chỉ có độ dài hơn 500 trang viết về đa dạng các chủ đề như tình yêu, tình bạn, tình anh em, các lĩnh vực - tôn giáo, chính trị, kinh tế, văn hóa, các tầng lớp xã hội - thị dân, công chức, lãnh đạo, trí thức, buôn lậu. Mỗi câu chuyện là những triết lý sống khác nhau.

Câu chuyện kể về những cuộc đời của các thế hệ sống trong một xã hội đang bước vào thời kỳ mở cửa trong những năm cuối thập niên 1980. Tác phẩm xoáy sâu vào nỗi cô đơn, mất mát, sự hoang mang của những người trẻ tuổi trong xã hội đang bước vào giai đoạn hội nhập. Qua đó tác giả thể hiện được cuộc sống của người dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

  1. Thị dân tiểu thuyết

Thị dân tiểu thuyết là quyển sách thứ 4 của Nguyễn Việt Hà sau Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người. Vẫn là không gian phố - ngõ – phố quen thuộc trong các tác phẩm trước, Nguyễn Việt Hà không chỉ đưa chúng ta đi dọc các con phố nhỏ ở Hà Nội thời bấy giờ, mà ông còn đưa chúng ta trở về các thời kỳ lịch sử của từng con phố, để tìm ra nguyên ủy hồn phố. Và để thực hiện một việc lớn lao là viết lại sử phố.

  1. Đàn bà uống rượu

Đàn bà uống rượu là tuyển tập tản văn của nhà văn Nguyễn Việt Hà đã gây ấn tượng mạnh với nhiều độc giả. Tác phẩm vẫn luôn đậm phong cách riêng của nhà văn: rất Hà Nội, rất đời, rất tréo ngoe, rất sâu cay, từ chuyện phụ nữ quyết tâm tranh đoạt lấy quyền được uống rượu, tự do lựa chọn tình yêu cho mình đến việc những người đàn ông phải vật lộn để khẳng định tư cách nam nhi của mình trong cái hội đã làm mờ đi cá tính riêng của mỗi con người.

  1. Con giai phố cổ

Con giai phố cổ là quyển tạp văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Có lẽ tác giả là người được sinh ra trong thời kỳ giao thời giữa hai thế hệ nên cuốn tạp văn này bàn luận về đủ thứ chuyện, từ xa xưa cho tới nay, châm biếm mỉa mai những con người ở xã hội cũ một cách tinh tế nhưng không thô tục. Những gã đàn ông xuất hiện trong cuốn tạp văn của ông bao gồm đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu.

  1. Mặt của đàn ông

Mặt của đàn ông là tuyển tập với 62 tản văn nói về những trăn trở của con người và xã hội. Vẫn là lối viết nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng đầy thâm thúy, sự trào phúng trong từng con chữ đôi lúc làm cho người ta bật cười vì lối viết dí dỏm, hài hước nhưng ngay sau đó ta phải đặt sách xuống và suy ngẫm lại, tất cả làm nên sự gần gũi của những bài tạp văn viết về cuộc sống ở Hà Nội, dường như chỉ xoay quanh mấy từ khóa cơ bản – đàn ông, phố cũ, sách xưa, rượu ngon, người đẹp và đủ thứ chuyện.

  1. Ba ngôi của người

Ba ngôi của người là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Nguyễn Việt Hà sau Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn. Cũng như các tác phẩm trước của ông bối cảnh không gian và thời gian vô cùng Hà Nội. Cậu chuyện được thể hiện qua lời kể của ba nhân vật người cha, người con và người cậu. Nhân vật người con vốn là một họa sĩ thông minh và có tài năng thiên bẩm. Người cha là một tay buôn giàu có và cuối cùng là người cậu tên là Quang Anh.

  1. Khải huyền muộn

Khải huyền muộn, cuốn tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Việt Hà, ra đời sau Cơ hội của Chúa và trước Ba ngôi của người. Nội dung của cuốn tiểu thuyết kể về Cẩm My cô là một cựu á hậu và chuyện của một nhà văn lồng vào nhau, có thể xem như một dấu hiệu của nghệ thuật cấu trúc truyện lồng trong truyện, hư cấu lồng vào hư cấu. Bên cạnh đó, điểm nhìn trần thuật của tác phẩm không cố định ở một nhân vật mà liên tục thay đổi từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ 3.

Thạc Sĩ

Các Tin Tức Khác